Kinh tế xã hội

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững

14:22, 27/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã có Chỉ thị số 08 về tập trung dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Quá trình này đã tạo nhiều điều kiện cho nông dân phát triển hệ thống gia trại tập trung, tránh hình thức manh mún, hiệu quả kinh tế thấp như trước kia.

 Việc thực hiện chăn nuôi tập trung thay thế cho hình thức gia trại nhỏ lẻ đang mang lại hiệu quả cao ở các địa phương trong thời gian qua
Việc thực hiện chăn nuôi tập trung thay thế cho hình thức gia trại nhỏ lẻ đang mang lại hiệu quả cao ở các địa phương trong thời gian qua

Việc chăn nuôi nhỏ lẻ không chỉ cho hiệu quả kinh tế thấp mà còn dễ nảy sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chủ trương giảm thiểu tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư để tập trung các gia trại có quy mô, diện tích lớn đang được các cấp, ngành khuyến khích trong thời gian qua.

Tại Quyết định số 6593/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, ban hành năm 2013 cũng đã nêu rõ định hướng phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020.

Trong đó, việc chú trọng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp đang được khuyến khích nhân rộng. Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong nông nghiệp cũng định hướng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để tạo cơ hội sinh kế cho người nông dân.

Cùng với đó, định hướng chuyển dịch vùng chăn nuôi trong khu dân cư đông đúc, gần thành phố… ra khu vực mật độ dân cư thấp, vùng trung du miền núi… đang được thực hiện theo Quyết định 6593 mà UBND tỉnh đặt ra cho ngành nông nghiệp trong những năm qua.

Điều đáng ghi nhận là ngoài việc hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng dịch chuyển ra xa khu dân cư, nhiều trang trại đã áp dụng công nghệ xử lý chất thải môi trường rất tốt. Nhiều mô hình chăn nuôi đã đầu tư hệ thống hầm Biogas vừa thu gom chất thải, vừa tái sử dụng chất đốt phục vụ cho sinh hoạt…

Ông Lưu Công Hoà, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghệ An là một trong những địa phương của cả nước được đánh giá có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá cho giá trị cao.

Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Và, việc dịch chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô tập trung theo hướng công nghiệp đang được thực hiện nhân rộng trên địa bàn. Nhờ đó, trong những năm gần đây, tỉ trọng của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp luôn chiếm khoảng hơn 40%. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã có gần 500 trang trại chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho sản phẩm từ các trang trại đảm bảo ATVSTP đang được người chăn nuôi và cơ quan chức năng rất chú trọng. Đây cũng là vấn đề đang được thực hiện một cách đồng bộ khi mà hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử phạt rất nặng nếu bị phát hiện.

Còn theo các chuyên gia thú y phân tích, chuyển dịch chăn nuôi theo hướng tập trung ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì công tác kiểm soát cũng như khống chế dịch bệnh sẽ dễ dàng hơn. Cùng với đó, việc gắn kết đảm bảo ATVSTP giữa các chủ trang trại với cơ quan chức năng sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn.

Ông Dương Tất Thắng, Giám đốc cơ quan Thú y vùng III cho biết: “Trong thời gian qua, công tác kiểm soát dịch bệnh và chất cấm trong chăn nuôi đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Lý do là tình trạng người dân chăn nuôi theo hướng nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn còn tồn tại. Điều này sẽ dễ phát sinh ổ bệnh, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung mà tỉnh Nghệ An đang thực hiện bước đầu đã có hiệu quả đối với công tác kiểm dịch cũng như chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường”.  

Như vậy, cùng với việc thực hiện dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành đã trở thành động lực để các địa phương thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung. Mặt khác, quá trình này đã tạo điều kiện về quỹ đất để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường và đầu ra của sản phẩm.

Đăng Quang

Các tin khác