(Congannghean.vn)-Sinh viên tốt nghiệp đại học phải đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp; thanh niên đến tuổi lao động nhưng không có việc làm... là thực trạng đáng báo động hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang là mối quan tâm của toàn xã hội; đồng thời là vấn đề “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong thời gian qua.
Ám ảnh nỗi lo thất nghiệp
Những năm gần đây, tình trạng thanh niên đến độ tuổi lao động không có việc làm đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với xã hội. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 1,12 triệu người thất nghiệp, chiếm khoảng 2,23% tổng dân số. Trong đó, tỉ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 3,96%, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị.
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học phải đi làm công nhân diễn ra khá phổ biến hiện nay |
Riêng tại Nghệ An, hiện nay có khoảng hơn 4.000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn, hơn 8.000 cử nhân có trình độ trên đại học thiếu việc làm hoặc phải đi làm trái ngành so với chuyên môn đã được đào tạo. Trong khi đó, hàng năm, Nghệ An có khoảng 30.000 người bước vào độ tuổi lao động cần có việc làm. Đây thực sự là những con số đáng báo động.
Ở khu vực nông thôn, tình trạng thanh niên trong độ tuổi lao động thất nghiệp cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhiều phụ huynh tỏ ra ngán ngẩm khi đầu tư cho con cái ăn học 4 - 5 năm đại học nhưng sau khi tốt nghiệp lại không xin được việc làm. Vì vậy, xu hướng đăng ký học tại các trường trung cấp nghề được học sinh, phụ huynh quan tâm và lựa chọn nhiều trong thời gian qua. Học nghề không chỉ giảm bớt thời gian và chi phí học tập mà còn giúp các em có nhiều cơ hội xin việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Thừa thầy, thiếu thợ”
Theo thống kê, trong 5 năm (2011 - 2015), chỉ có 10% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đăng ký học các trường nghề trên địa bàn cả nước. Con số này đã phần nào phản ánh được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay. Đây cũng là nghịch lý diễn ra tại nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An.
Theo thống kê của các cơ sở dạy nghề trong thời gian qua cho thấy, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển còn rất ít. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh có 64 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề, trong đó có 38 cơ sở dạy nghề công lập và 26 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Tuy nhiên, tỉ lệ tuyển sinh đầu vào tại một số trường nghề chỉ đạt dưới 50% so với kế hoạch đã được giao.
Để giảm thiểu tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, trong những năm qua, Nghệ An đã làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn. Qua đó, số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đăng ký vào các trường nghề đã tăng trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng năm học 2015 - 2016, Nghệ An có khoảng 12.000 học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT chứ không thi đại học, cao đẳng. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh đăng ký học các trường nghề đang có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp... cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, yêu cầu lao động có tay nghề cao đang là xu hướng phổ biến hiện nay.
Để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 6980/QĐ-UBND.VX về việc phê duyệt “Đề án phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.
Theo đó, việc tập trung xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... đang được triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, để người lao động sau khi đào tạo nghề có việc làm ổn định cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần phát huy tích cực vai trò là “cầu nối” với các doanh nghiệp để tạo điều kiện giải quyết việc làm cho thanh niên.