(Congannghean.vn)-Với cơ cấu “dân số vàng”, hiện nay, Việt Nam đang là nước có số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 58% dân số. Dự kiến đến năm 2020, số người trong độ tuổi lao động sẽ chiếm khoảng 62%. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động của Việt Nam đang ngày một trẻ hoá, cung cấp nguồn nhân công dồi dào cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, với cơ cấu số lượng lao động lớn như vậy thì gánh nặng về việc chi trả lương hưu cho người hết tuổi lao động sau này sẽ rất lớn.
Chính vì những vấn đề nói trên, ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/2013/TT-BTC về việc hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Theo đó, Thông tư 115 sẽ điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản thi hành của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.
Người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ có thêm nguồn thu nhập sau khi nghỉ hưu |
Bên cạnh đó, Thông tư 115 cũng nêu rõ: Bảo hiểm hưu trí là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Và, bảo hiểm hưu trí sẽ bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động. Trường hợp bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động, bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa các bên và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm.
Mới đây, vào ngày 1/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Nghị định 88 cũng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Có nghĩa là, song song với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cả người lao động và doanh nghiệp có thể đóng góp thêm một khoản chi phí hàng tháng trên cơ sở tự nguyện để sau này có nguồn thu hàng tháng, quý khác nhau. Mặt khác, việc tích cóp để đóng thêm một khoản tiền nào đó vào bảo hiểm hưu trí tự nguyện ngay từ thời điểm đang trong độ tuổi lao động sẽ giảm bớt khó khăn cho tương lai của mình.
Trong tiến trình phát triển, đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu không chỉ người lao động mà cả các cơ quan, ban ngành hướng tới. Bởi chăm lo cho cuộc sống người dân là góp phần làm cho xã hội tiến bộ, văn minh hơn. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định số 88 vừa qua của Chính phủ nhằm để người lao động sau khi nghỉ hưu có cuộc sống ổn định đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Trao đổi với báo chí, bà Trần Thanh Hà, Trưởng phòng Bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết: Việc ban hành chính sách bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ sẽ góp phần đa dạng hoá loại hình an sinh xã hội.
Vấn đề về sự canh tranh giữa bảo hiểm hưu trí và chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ không xảy ra, bởi cả 2 loại hình này sẽ có những cách triển khai khác nhau. Điều quan trọng là Nhà nước đang khuyến khích doanh nghiệp và người lao động đóng góp thêm vào quỹ lương hưu sau này theo đúng tinh thần tự nguyện.
Sau khi có Thông tư 115/2013/TT-BTC và Nghị định 88/2016/NĐ-CP, tính đến ngày 30/6/2016, cả nước có khoảng 15 nghìn người tham gia loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện với luỹ kế gần 300 tỉ đồng, do doanh nghiệp đóng cho người lao động.
Cũng tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 6 doanh nghiệp bảo hiểm được triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo Luật Kinh doanh bảo hiểm gồm: Bảo Việt, AIA, Prudental, Daichi, Manulife, PVI Sunlife. Tuy nhiên, về loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng khắp trên thị trường.
Nghệ An hiện có khoảng hơn 2 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn 64% dân số. Đây cũng là tỉnh cung ứng nguồn lao động rất lớn hàng năm cho các doanh nghiệp.
Thế nhưng, khi được hỏi về chủ trương thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo tinh thần Nghị định 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các đơn vị sử dụng lao động vẫn chưa tiếp cận được loại hình này. Còn theo một đại diện của AIA tại Nghệ An, doanh nghiệp được phép thực hiện loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho biết, hiện tại trên địa bàn vẫn chưa thể triển khai.
Như vậy, với việc đa dạng hoá loại hình an sinh xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người lao động khi về hưu. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phân tích cho người lao động hiểu thêm về loại hình bảo hiểm này cần phải có lộ trình cụ thể hơn nữa.