(Congannghean.vn)-Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa đồng ý với chủ trương đề xuất giảm phí BOT tại một số trạm thu phí trong cả nước. Theo đó, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 nằm trong danh sách được giảm phí lần này.
Thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp gần đây, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT rà soát các dự án giao thông BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) hiện hành.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 |
Ngày 1/8, căn cứ vào nguyên tắc điều chỉnh giảm phí và kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký văn bản đồng ý giảm 10 - 15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của 29 trạm thu phí BOT có mức thu tối đa khung tại Thông tư 159.
Ngoài ra, tại 5 trạm có mức thu phí cao nhất cũng sẽ giảm 10 - 20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), nhóm 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn).
Về lộ trình giảm phí, Bộ GTVT có trách nhiệm rà soát các dự án BOT đã ký kết để đàm phán, thống nhất với các nhà đầu tư về việc điều chỉnh mức phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT; trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp và phải thực hiện ngay vào ngày đầu tháng, đầu quý, đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng vé tháng, vé quý đã mua.
Được biết, hiện nay cả nước có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý. Trong đó, đã có 45 trạm đang thu phí, với 16 trạm thu theo mức Thông tư số 90 và 29 trạm thu theo mức Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Trong 45 trạm nói trên, có 5 trạm áp dụng mức thu cao nhất, gồm 2 trạm trên Quốc lộ 5, 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1A tại cầu Bến Thủy và trạm cầu Gianh (Quảng Bình). Như vậy, theo lộ trình này thì hai trạm thu phí tại cầu Bến Thủy sẽ nằm trong danh sách được giảm phí lần này, với mức giảm từ 10 - 20% cho từng loại phương tiện.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Cienco 4 cho biết: Hiện nay chỉ mới có chủ trương chứ đơn vị chưa nhận được bất cứ công văn, chỉ thị nào liên quan đến việc giảm giá cước theo sự phê chuẩn, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. “Ngay khi có văn bản chỉ đạo từ Bộ GTVT và các ban, ngành, chúng tôi sẽ thực hiện việc điều chỉnh mức thu phí theo quy định”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 hoạt động từ năm 2005 và đến tháng 11/2012, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2 hoàn thành, cách Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 khoảng 500 m được đưa vào sử dụng để Cienco 4 thu hồi vốn. Các dự án mà Cieno 4 thu hồi vốn thông qua hai trạm thu phí này bao gồm BOT tuyến đường tránh TP Vinh; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh; Dự án cầu vượt Quốc lộ 46 với đường sắt Bắc - Nam; Tiểu dự án cầu vượt Quốc lộ 8B (cũ) với Quốc lộ 1A và Dự án cầu, đường bộ Yên Xuân với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.
Từ ngày 1/1/2016, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 đã tăng giá vé từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện khi đi qua cầu, đưa trạm thu phí này vào “top” 5 trạm BOT có mức thu cao nhất trong cả nước.
Việc Cieno 4 tăng phí đã khiến cho dư luận bức xúc, mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân sinh sống hai bên cầu. Mới đây nhất, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị chủ đầu tư Cienco 4 nghiên cứu dời điểm thu phí tại cầu Bến Thủy tới địa điểm thích hợp, vì về nguyên tắc, đầu tư BOT ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Với vị trí trạm thu phí tại cầu Bến Thủy như hiện tại khiến nhiều người dân bị thu tiền oan, không đi trên đường, cầu BOT cũng phải đóng phí.
Ngoài ra, việc đặt trạm thu phí như hiện nay còn ảnh hưởng đến quy hoạch vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn về việc chuyển Trạm thu phí Bến Thủy ra ngoại vi TP Vinh.