Kinh tế xã hội
Cần thay đổi tư duy
(Congannghean.vn)-Nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, nông nghiệp được coi là “bà đỡ” của nền kinh tế. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên trong 10 năm tăng trưởng liên tiếp, ngành mũi nhọn này tăng trưởng âm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là do lối sản xuất manh mún, thủ công tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng trong bối cảnh phát triển và hội nhập sâu rộng.
Từ những tồn tại cố hữu…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), GDP nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 0,18%, giá trị sản xuất ước đạt 397.400 tỉ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nông nghiệp giảm 0,7%, lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt (3%).
Mô hình trồng chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Quế Phong. |
Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngoài nguyên nhân chính dẫn đến thực tế đáng lo ngại trên là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn thì lối sản xuất manh mún, thủ công là tác nhân cố hữu.
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, cuộc sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở Công thương, một trong những thế mạnh nhưng cũng là lĩnh vực “dễ bị tổn thương” nhất khi Nghệ An hội nhập quốc tế là xuất khẩu nông sản, đặc biệt là chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất mía đường…
Đơn cử như lĩnh vực mía đường. Khoảng cuối tháng 2/2016, giá mía nguyên liệu để sản xuất đường khoảng 45 - 50 USD/tấn, còn Thái Lan chỉ khoảng 30 USD/tấn, trong khi tỉ lệ chi phí mía chiếm tới 75 - 80% trong giá thành đường. Điều này dẫn đến tính cạnh tranh của sản phẩm đường Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng kém hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo phân tích của GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do quá trình sản xuất, chế biến mía đường còn mang tính manh mún, lạc hậu. Ở Thái Lan, một hộ trồng tới vài trăm ha, còn tỉnh ta sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ, chỉ 1 - 2 ha. Do sản xuất quy mô nhỏ nên lợi nhuận thu về không cao, không có điều kiện đầu tư máy móc và khoa học công nghệ hiện đại, dẫn đến sản phẩm có giá thành cao, trong khi chất lượng chưa thực sự đảm bảo nên tính cạnh tranh thấp là hệ quả tất yếu.
… đến thay đổi tư duy sản xuất
Trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, chính sách dồn điền đổi thửa được đánh giá là “chìa khóa” trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hướng tới nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Huyện Đô Lương là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác này.
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Hán ở xóm 10, xã Tân Sơn với mô hình vườn, ao, chuồng kết hợp. Trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, ông đã đổi những phần diện tích lúa manh mún để nhận gần 1 ha đất ruộng xấu, sau đó đầu tư cải tạo làm gia trại; gồm hệ thống chuồng trại nuôi ngan, gà, vịt, ao nuôi cá giống và cá thương phẩm, trồng các loại cây ăn quả cho năng suất cao như ổi… và trồng cỏ để nuôi bò.
Trước tình trạng báo động từ lối sản xuất manh mún, thủ công, nhiều địa phương nói chung và Nghệ An nói riêng đã đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, có tính liên kết và mang lại giá trị cao.
Thời gian gần đây, khi vấn đề ATVSTP trở thành mối lo chung của toàn xã hội thì việc sản xuất những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện.
Xuất phát từ thực tế đại bộ phận nông dân đã quen với lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự do, chỉ chú trọng đến năng suất, sản lượng chứ chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân các cấp định hướng cho bà con nông dân trong công tác này. Theo đó, việc phát triển các vùng chuyên canh trồng rau sạch trở thành hướng đi mới trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như TP Vinh, quá trình triển khai “Đề án phát triển nông nghiệp ngoại thành đến năm 2020”, đã có 6 vùng chuyên canh, chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn, bền vững, hiệu quả kinh tế cao được hình thành. Thành phố đã quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đang xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp; nhằm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước xóa bỏ các loại hình sản xuất manh mún.
Ngoài ra, thành phố còn quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch theo hướng tập trung, với tổng đàn gia cầm quy mô trên 300.000 con, đàn lợn 20.000 con tại các xã: Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên và Hưng Chính.
Nhằm hỗ trợ nông dân giảm thiểu tổn thất trong nông nghiệp, đồng thời phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại, thực hiện Quyết định 68 ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có 845 hộ nông dân được vay vốn mua máy phục vụ sản xuất, với số tiền hơn 166 tỉ đồng, chủ yếu là máy gặt đập liên hoàn.
Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình, nhiều người còn mở dịch vụ gặt thuê cho các hộ có nhu cầu; góp phần tăng thêm nguồn thu nhập và làm lan tỏa rộng rãi quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì canh tác nông nghiệp sạch không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm mà còn đưa người dân tới gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi phát triển sản xuất, phải lựa chọn được đối tượng có khả năng lan tỏa và ảnh hưởng lớn nhất để đầu tư, từ đó đưa nông dân nhỏ thành nông dân lớn, hộ nông dân đơn lẻ thành những hộ nông dân trong chuỗi sản xuất, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò định hướng.
Hồng Hạnh