Kinh tế xã hội
Cơ hội để ngành du lịch tái cơ cấu và phát triển
Phát biểu tại hội nghị đóng góp cho Đề án Định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiều 15/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng Đề án là cơ hội hiếm có để ngành du lịch tái cơ cấu, phát triển bền vững.
Các ý kiến đóng góp tại hội nghị cho rằng việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết, tạo động lực để du lịch Việt Nam có chuyển biến về chất. Tuy nhiên nội dung của đề án cần phải phân tích rõ những tồn tại hạn chế cũng như tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam trong phát triển du lịch. Từ đó đưa ra giải pháp, nhiệm vụ hết sức cụ thể, bộ ngành làm gì, địa phương làm gì, DN làm gì, người dân đóng góp đến đâu để du lịch phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý Ban soạn thảo Đề án định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nhiều nội dung quan trọng. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long băn khoăn về thẩm quyền của Tổng cục Du lịch hiện nay trong quản lý các hoạt động du lịch và cho rằng đề án phải phân cấp rõ thẩm quyền quản lý giữa Trung ương và địa phương trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chi tiết về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch trước thực tế các hoạt động xúc tiến hiện nay rất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, đầu tư bài bản.
“Các tỉnh đi xúc tiến chỉ giới thiệu địa phương mình, trong khi khách tới Việt Nam thì đi nhiều điểm. Chúng ta cần thay đổi phương thức xúc tiến, xúc tiến tại chỗ cũng rất quan trọng như các lễ hội, festival. Bên cạnh đó phải xác định được thị trường trọng điểm: khách thị trường nào giao cho vùng nào xúc tiến”, ông Dũng góp ý.
Đại diện Sở Du lịch TPHCM kiến nghị đề án cần đề xuất cơ chế linh hoạt trong phối hợp giữa hoạt động bảo tồn, phát triển các điểm văn hóa phục vụ cho du lịch; phối hợp giữa các sở ngành ở địa phương liên quan đến du lịch.
“Ở TPHCM giao thông làm cầu mà không tính độ cao để tàu du lịch đi qua được gầm. Thương mại chỉ tính bán hàng cho dân chứ không tính tới khu mua sắm tập trung cho du khách. Đề án cũng không nói tới vai trò hiệp hội doanh nghiệp du lịch dù tổ chức này làm xúc tiến tốt hơn cơ quan nhà nước, huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp, quản lý hướng dẫn viên…”, vị này cho biết.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là cơ hội để các địa phương nói về những vấn đề lớn đóng góp vào nội dung đề án.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam những vấn đề lớn có tầm chỉ đạo liên quan đến phát triển du lịch đã có đầy đủ, vấn đề là thực hiện. Mặc dù các giải pháp đã rất cụ thể, phân chia trách nhiệm cho các bộ ngành, địa phương, của ngành du lịch nhưng có nơi làm tốt, có nơi không, điển hình là môi trường du lịch.
Lấy ví dụ từ câu chuyện visa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vấn đề là phải cải tiến thủ tục, giảm phiền hà, làm visa điện tử để xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện, ấn tượng đối với du khách ngay từ ban đầu. Tiếp đến là vấn đề hàng không, sân bay, hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú trong nước, đến hạ tầng văn hóa du lịch bảo tồn, bảo tàng, môi trường du lịch, các điểm đến, xúc tiến du lịch.
Phó Thủ tướng mong muốn việc thực hiện đề án sẽ tạo chuyển biến trong văn hóa ứng xử, văn minh đô thị. Các bộ ngành cần rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để nhân việc triển khai đề án sẽ tạo bước chuyển trong quản lý về môi trường xã hội, vệ sinh môi trường ở các đô thị.
Nhận thức rõ những yếu kém của ngành du lịch
Từ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc xây dựng đề án là cơ hội hiếm có để ngành du lịch tái cơ cấu, phát triển bền vững. Ban soạn thảo cần phân tích, đánh giá, tổng hợp tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết.
Cho ý kiến cụ thể vào nội dung chính của đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong đánh giá thực trạng phát triển của ngành du lịch cần nêu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch với kỳ vọng đặt du lịch có thể phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Trong quá trình tổng kết 30 năm đổi mới, du lịch, nông nghiệp, CNTT được xác định có thể trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn, sắc bén”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý các phần nội dung của đề án như tiềm năng, lợi thế, quan điểm, mục tiêu... của đề án phải xác định rõ ràng , cụ thể, không chung chung.
Đi vào nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị trong đánh giá thành tựu của du lịch Việt Nam qua 30 năm đối mới cần khẳng định du lịch có bước phát triển nhanh, đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch lao động nông thôn, thay đổi bộ mặt đô thị; hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan như dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông...
“Du lịch hiện nay là ngành kinh tế lớn nhất thế giới. Sản phẩm du lịch là sản phẩm xuất khẩu tại chỗ, nhiều lần, có hiệu quả cao nhất, thu ngoại tệ trực tiếp đóng góp vào nền kinh tế. Trong giai đoạn 1990-2014, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 30 lần, khách du lịch nội địa tăng 35 lần”.
Ban soạn thảo cũng cần đánh giá sâu hơn, có số liệu về việc du lịch giúp bảo tồn, tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống, phục hồi văn hóa nghệ thuật quần chúng, đẩy mạnh văn hóa nghệ thuật đương đại; góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và các điểm đến trên mọi miền đất nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu ban soạn thảo cần phải làm rõ những rào cản, khó khăn và yếu kém so với tiềm năng lợi thế tĩnh và lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
“Đề án phải hết sức thẳng thắn nhìn nhận những rào cản yếu kém bên trong ngành du lịch. Mà yếu kém nhất là nhận thức ngành nghề kinh doanh du lịch chưa đầy đủ. Đâu đó tư tưởng bao cấp, mang nặng tính phục vụ, chưa nhận thức du lịch là một ngành kinh tế. Mà chúng ta phải coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Do đó phải ứng xử đối với du lịch như những ngành kinh tế khác theo nguyên tắc, quy luật của thị trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó liên kết giữa các DN du lịch, các thành phần kinh tế, các DN lớn và nhỏ còn rất yếu; liên kết ngành, vùng còn rất còn lỏng lẻo, còn kém hiệu quả... Chất lượng sản phẩm, khai thác phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch còn rất hạn chế, thiếu sản phẩm có tính khác biệt, đẳng cấp, chưa có thương hiệu du lịch mang tính cạnh tranh quốc gia...
Phó Thủ tướng lưu ý, Đề án cần đánh giá kỹ thực trạng cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chắp vá kể cả những địa bàn trọng điểm. Chúng ta chưa có khu du lịch quốc gia, chưa có điểm du lịch quốc gia theo đúng nghĩa và chưa có khu đô thị du lịch quốc gia theo tiêu chí của Luật Du lịch. Cùng với đó việc xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam còn rất hạn chế về cả kinh phí và nhất là cách thức tổ chức thực hiện.
Trong phần nội dung liên quan đến chủ trương, mục tiêu của đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần đặt du lịch trong quan hệ với các ngành kinh tế khác và bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời cần phân tích đánh giá kỹ tiềm năng lợi thế của du lịch Việt Nam, cơ hội, thách thức và tầm nhìn trong thời gian tới đặt mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng phải phát triển bền vững.
Đề án cần phải làm rõ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhưng không có nghĩa tỉnh nào cũng phải phát triển du lịch là mũi nhọn mà phải căn cứ và điều kiện cụ thể của địa phương.
Phó Thủ tướng lưu ý ban soạn thảo cần kế thừa những gì tinh túy nhất trong các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch; kinh nghiệm của quốc tế ; đầu tư phát triển hạ tầng, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện nhất là đối với khu du lịch và địa bàn trọng điểm; đầu liên kết phối hợp trong phát triển du lịch; nâng cao chất lượng, đẳng cấp sản phẩm du lịch; xây dựng các thương hiệu du lịch của Việt Nam...
Đối với quản lý nhà nước, cần quát triệt quan điểm Trung ương chỉ làm chức năng quản lý vĩ mô, không làm chức năng chủ quản du lịch, không kinh doanh thay cho doanh nghiệp, phân cấp triệt để, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương...
Nguồn: Chinhphu.vn