(Congannghean.vn)-Dự án đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia, địa phương nào. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, tạo nhiều hấp dẫn về chính sách, môi trường, lao động… là muôn vàn cách mà các cấp chính quyền, cơ sở thực hiện để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư bền vững, không gây ảnh hưởng, tác động tới môi trường chưa bao giờ là “bài toán” đơn giản với các địa phương và nhà đầu tư. Tạo nền tảng cho những hiệu quả lâu dài hay chỉ là “ăn xổi ở thì” buộc các cấp, ngành phải đứng giữa các phương án: Đánh đổi để có dự án đầu tư hay từ chối khi nghi ngờ có thể gây hậu quả xấu về lâu dài?
Tại nhiều nơi, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng nhức nhối. Ảnh minh họa |
Còn nhớ cách đây 8 năm, sự việc Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, gây bức xúc âm ỉ đối với những người dân sinh sống ở khu vực lân cận.
Theo đó, từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau thời gian theo dõi, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông.
Khi đó, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan với tổng số tiền 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỉ đồng. Số tiền mà Vedan nộp khi đó không ít, tuy nhiên, so với những tác động mà Vedan gây ra, sẽ rất lâu mới có thể “hoàn trả lại” sông Thị Vại như ban đầu. Những biến đổi, ô nhiễm khó mà đo đếm được, nhất là với cuộc sống của những hộ dân chịu tác động môi trường do Vedan gây ra.
8 năm sau, hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đã làm đảo lộn đời sống của hàng nghìn hộ ngư dân quanh năm bám biển. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để ổn định đời sống người dân, bước đầu đánh giá thiệt hại, làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố và có hướng xử lý kịp thời.
Bộ KHCN phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã huy động hơn 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế và đã xác định có nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh). Đoàn phát hiện Công ty TNHH Formosa Hà Tĩnh có vi phạm, dẫn tới xả thải độc tố ra biển, chất hydroxit vượt quá mức cho phép.
Ngoài việc công khai xin lỗi, Formosa cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Sự thừa nhận của Formosa đã giải tỏa mối hoài nghi bấy lâu nay trong dư luận và là sự khẳng định quyết tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm môi trường...
Vedan, Formosa là những công ty sản xuất với quy mô lớn nên những tác động gây tổn hại cho môi trường sớm biểu hiện nghiêm trọng. Vì thế, người dân và dư luận dễ phát hiện. Nhưng vẫn còn những doanh nghiệp khác, quy mô sản xuất nhỏ hơn, mức ảnh hưởng biểu hiện chưa rõ ràng (hoặc âm ỉ) thì hướng xử lý như thế nào? Hay chăng, chỉ đến khi môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, khi không khí đậm đặc bụi bẩn, nguồn nước sặc mùi hóa chất… khi đó chúng ta mới tìm hướng khắc phục và bồi thường? Lúc đó, lợi nhuận thì doanh nghiệp hưởng, ô nhiễm thì người dân chịu; tình cảnh chẳng khác nào “kẻ ăn rươi, người chịu bão”.
Hiện nay, cũng giống nhiều địa phương trong toàn quốc, Nghệ An đã và đang thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư để tạo cơ sở thực hiện mục tiêu sớm trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 42 dự án với trên 21 nghìn tỉ đồng. Trong đó, có nhiều dự án lớn, được kỳ vọng tạo đột phá cho địa phương và khu vực. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian trên, qua công tác thanh, kiểm tra của lực lượng Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, đã có 25 cơ sở, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về những vi phạm về môi trường. Đó là chưa kể tới những doanh nghiệp đã bị các đoàn, ngành, lực lượng chức năng cấp Trung ương phát hiện và xử lý trong thời gian trước đó.
Vì thế, song song với lợi nhuận và giải quyết việc làm, các nhà quản lý cũng cần phải xây dựng cụ thể kế hoạch thanh, kiểm tra để phát hiện kịp thời những sai phạm về môi trường nhằm có hướng điều chỉnh, khắc phục… Mọi sự so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên, nếu những thiệt hại về môi trường quá lớn, thì những hiệu quả kinh tế sẽ chỉ là “ăn xổi ở thì” và về lâu dài, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều.
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương phải rút bài học từ vụ việc cá chết. Phát triển kinh tế là mục tiêu mà bất cứ địa phương nào cũng mong muốn đạt được, song đi đôi với điều này, vấn đề bảo vệ môi trường cũng không thể xem nhẹ. Bởi, nếu chỉ tính đến quãng đường ngắn trước mắt, chính chúng ta, chứ không ai khác sẽ nhận “quả đắng” thay vì những mọng ngọt như kỳ vọng ban đầu…