Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201606/co-gioi-hoa-nong-nghiep-nong-thon-nhung-buoc-dot-pha-hieu-qua-684720/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201606/co-gioi-hoa-nong-nghiep-nong-thon-nhung-buoc-dot-pha-hieu-qua-684720/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những bước đột phá hiệu quả - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 27/06/2016, 09:39 [GMT+7]
Cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn

Những bước đột phá hiệu quả

(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đã tích cực thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Đây được xem là một trong những “bước đệm” để đẩy mạnh quá trình tích tụ ruộng đất, khuyến khích người dân đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp. Thực tế cho thấy, chủ trương này đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu.

Dồn điền, đổi thửa

Chủ trương dồn điền, đổi thửa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, tránh lối canh tác manh mún, du canh… đã được thực hiện ở Nghệ An bắt đầu từ năm 2001. Cụ thể, ngày 5/4/2001, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TU về việc vận động người dân chuyển đổi ruộng đất, thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

 Người dân huyện Đô Lương đưa máy móc vào thu hoạch lúa vụ Xuân 2016.
Người dân huyện Đô Lương đưa máy móc vào thu hoạch lúa vụ Xuân 2016.

Sau khi có Chỉ thị 02, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai, vận động người dân tham gia một cách tích cực, khẩn trương. Bình đồ địa chất trên những cánh đồng đã được cải tạo nhằm phù hợp với việc đưa máy móc cơ giới vào phục vụ sản xuất, thu hoạch để thay thế sức kéo của trâu, bò.

Bên cạnh đó, hệ thống các công trình giao thông thuỷ lợi nội đồng cũng được đầu tư, nâng cấp để phù hợp với lối canh tác mới cho năng suất cao. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong quá trình dồn điền, đổi thửa  cũng được triển khai hiệu quả.

Sau hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 02, tại các địa phương trên địa bàn Nghệ An, nhiều cánh đồng đã được quy hoạch lại, người dân dần làm quen với lối canh tác tập trung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Đó là việc chuyển đổi ruộng đất chưa gắn với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, không phù hợp với xu hướng chung.

Đặc biệt, khi có Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 thì việc dồn điền, đổi thửa trên địa bàn Nghệ An còn nhiều tồn tại cần phải tháo gỡ để phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Để khắc phục tồn tại này, ngày 8/5/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về việc đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Tiếp đó, ngày 6/8/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 2928/QĐ-UBND.ĐC để triển khai thực hiện Chỉ thị 08 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về công tác này. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 9 huyện, thị đồng bằng hoàn thành 100% việc dồn điền, đổi thửa. 342/480 xã trên địa bàn tỉnh có khả năng chuyển đổi với 77.877,1 ha đất sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện dồn điền, đổi thửa. Bình quân mỗi thửa đất sau khi dồn điền, đổi thửa có tổng diện tích 1.214,19 m2.

Ngoài ra, các địa phương cũng đã xây dựng được 375 mô hình sản xuất tập trung cho năng suất cao, 54 mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong đó diện tích trồng lúa có 18 mô hình với 995 ha đạt năng suất từ 60 - 70 tạ/ha, 6 mô hình ngô với diện tích 205 ha và 4 mô hình lạc với diện tích 163 ha…

Đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp

Theo số liệu của Phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Nghệ An có 1.464.697,4 ha đất nông nghiệp, chiếm 88,87% tổng diện tích tự nhiên (1.648.067,06 ha). Tiềm năng đất nông nghiệp lớn là lợi thế để địa phương đẩy mạnh việc phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần tạo nền tảng vững chắc trong công tác an ninh lương thực.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh đóng góp khoảng 24,2% tổng giá trị cơ cấu kinh tế địa phương. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích để phát triển nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ giá, nông cụ sản xuất…

Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, gia đình tôi được nhận 3 thửa đất với tổng diện tích khoảng hơn 2.000 m2. So với trước kia, với số nhân khẩu được Nhà nước giao đất, gia đình tôi được chia 5 thửa ruộng ở các vị trí khác nhau.

Tuy nhiên, sau khi dồn điền, hiện nay chỉ còn 3 thửa với tổng diện tích không thay đổi. Điều này không những tạo điều kiện để gia đình dễ dàng canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mà còn thuận lợi trong việc đưa máy cày, bừa vào phục vụ sản xuất, thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất”.

Sau khi dồn điền, đổi thửa, gia đình anh Thắng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cá nhân và các hộ ở địa phương.

Trong những năm gần đây, thông qua Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 4/2/2012 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn (với mức hỗ trợ 20% phí mua máy), mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng trên địa bàn Nghệ An đã có khoảng gần 10.000 máy cày các loại được nông dân sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như huyện Anh Sơn hiện có trên 2.200 máy cơ giới hoá nông nghiệp. Ở các địa phương như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn…, trung bình mỗi huyện có khoảng gần 1.000 máy cơ giới hoá nông nghiệp do người dân đầu tư mua sắm.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã có khoảng gần 5 tỉ đồng giải ngân để hỗ trợ người dân mua sắm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Theo ông Phan Duy Thiều, Phó Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NN&PTNT, chủ trương đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp, nông thôn là lộ trình được nhiều cấp, ngành quan tâm. Trong thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc thực hiện vấn đề nói trên.

Ngành nông nghiệp tỉnh nhà cũng đã có nhiều kế hoạch, nội dung để tham mưu cho các cấp về các chính sách liên quan đến cơ giới hoá nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí để giúp ngư dân đầu tư máy nông nghiệp cũng được thực hiện đầy đủ, hiệu quả.

Có thể khẳng định, cùng với chủ trương dồn điền, đổi thửa thì chính sách đưa cơ giới hoá vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ nét.

Cùng với đó, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ổn định an ninh lương thực đang được giữ vững. Tuy nhiên, để quá trình cơ giới hoá nông nghiệp mang lại chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa thì sự đồng hành của Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông cần có sự gắn kết bền vững.

.

Ngọc Thái

.