Thương vụ Việt Nam tại Brazil vừa phát đi cảnh báo tới doanh nghiệp (DN) Việt Nam về tình trạng một số đối tác Brazil lừa đảo DN khi nhập khẩu các sản phẩm thịt từ nước này.
Theo đó, thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Brazil nhận được một số yêu cầu hỗ trợ từ các DN nhập khẩu, hoặc kinh doanh nhập khẩu, tái xuất các sản phẩm từ động vật như thịt bò, nội tạng bò, lợn, chân, cánh gà, chân lợn có xuất sứ từ Brazil.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil (Kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Peru, Suriname). Địa chỉ: Rua Paulo Orozimbo, 675-Conj. 91;92 CEP: 015-35001- Bairro da Aclimação; São Paulo - SP – Brasil. Điện thoại: (+55) 11 32766776 Điện thoại di động: + 55 11 9928 33668 Email: Br@moit.gov.vn hoặc ecoviet@terra.com.br |
Nhiều đối tượng đã lợi dụng thông tin Brazil là nước sản xuất các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn trên thế giới cũng như nhu cầu lớn của các DN Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm này để tiêu thụ trong nước và tái xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, hầu hết các hợp đồng mà các đối tượng lừa đảo đều lấy danh nghĩa các hãng sản xuất thực phẩm nối tiếng như BRF, Sadia, Real Alimentos... với các điều kiện rất lỏng lẻo, chất lượng hàng hóa rất cao và đặc biệt là giá chỉ rẻ bằng 1/3 so với giá thị trường.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đều yêu cầu DN phải chuyển tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản trung gian tại Mỹ hoặc một số nước châu Phi.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil cảnh báo các doanh nghiệp khi giao dịch với các đối tượng có các thông tin như kể trên, hoặc các dấu hiệu không minh bạch, khác biệt với thị trường khác thì cần thẩm tra kỹ về các đối tượng giao dịch, tuyệt đối không nên chấp nhận điều khoản thanh toán đặt cọc trả trước trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.
Doanh nghiệp có thể liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Brazil để thẩm tra đối tác trước khi tiến hành giao dịch.
Ở một khía cạnh khác liên quan tới nhập khẩu gia súc, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia (kiêm nhiệm Vanuatu, Marshall Islands, Micronesia, Solomon Islands), truyền thông Australia cho biết nước này đã đưa ra quyết định tạm ngưng xuất gia súc đối với Công ty Animex Hai Phong trong thời gian điều tra những cáo buộc được tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia cung cấp nói rằng nhiều lò mổ ở Hải Phòng đã ngược đãi động vật, vi phạm tiêu chuẩn ESCAS.
Chính phủ nước này cũng đang tiến hành điều tra những cáo buộc cho rằng các lò giết mổ gia súc ở Việt Nam không đạt tiêu chuẩn và có những hành vi ngược đãi đối với động vật.
Australia xuất khẩu nhiều gia súc sống sang các nước. Kèm theo giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Australia, lò giết mổ ở các nước phải bảo đảm tiêu chuẩn gọi là “phúc lợi của động vật” hay gọi là tiêu chuẩn ESCAS từ năm 2011. ESCAS yêu cầu các lò mổ phải đối xử “nhân đạo” đối với gia súc trước khi làm thịt và gia súc giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ động vật Animals Australia vừa qua đã trình Bộ Nông nghiệp nước này những bằng chứng cho thấy các lò mổ ở Việt Nam không đạt yêu cầu ESCAS để có thể nhập khẩu gia súc từ Australia.
Do đó, Bộ Nông nghiệp nước này đã bắt đầu cuộc điều tra về những cáo buộc đối với các lò mổ của Việt Nam, đồng thời cũng thông báo với giới chức Việt Nam về cuộc điều tra này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, không rõ cuộc điều tra sẽ kéo dài trong bao lâu, tuy nhiên nếu những cáo buộc là có thật, Chính phủ nước này sẽ cấm xuất khẩu gia súc sống, trong đó có bò sang Việt Nam và thiệt hại sẽ đáng kể cho các công ty nhập khẩu cũng như các lò mổ.
Trước đó, vào năm 2011, Chính phủ Australia ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu gia súc sang Indonesia sau khi những hình ảnh gia súc bị đối xử dã man tại một số cơ sở giết mổ ở Indonesia bị tiết lộ.