Kinh tế xã hội

Bỏ điều kiện kinh doanh không có nghĩa là buông quản lý

09:25, 26/06/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nhiều ý kiến cho rằng cần có điều kiện kinh doanh để “siết chặt quản lý”. Nhưng trên thực tế, bỏ điều kiện kinh doanh không có nghĩa là buông quản lý bởi có rất nhiều cách thức quản lý khác.

“Các thành viên Chính phủ đều thống nhất rất cao về mục tiêu, định hướng cải cách thể chế nói chung, và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng”, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định khi

Nhiều ý kiến cho rằng không cần đặt ra điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm mà chỉ cần quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn mũ.
Nhiều ý kiến cho rằng không cần đặt ra điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm mà chỉ cần quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn mũ.

trả lời báo chí về quá trình xây dựng các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, khi đi vào các vấn đề cụ thể, hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau giữa các cơ quan cũng như giữa cơ quan soạn thảo với cộng đồng doanh nghiệp. Khó khăn lớn nổi lên là làm sao vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể hơn, là vấn đề phân biệt điều kiện kinh doanh (áp dụng với doanh nghiệp) và với tiêu chuẩn, quy chuẩn (áp dụng với hàng hóa, dịch vụ). Điều này đặc biệt quan trọng, bởi nếu điều kiện kinh doanh đặt ra rào cản với doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp, thì tiêu chuẩn, quy chuẩn chỉ áp dụng với hàng hóa sau khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động.

“Một số dự thảo nghị định cho thấy những người soạn thảo vẫn giữ tư duy cũ. Có nhiều cách thức khác nhau để quản lý, chứ không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông thẳng thắn phát biểu tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ bàn về các dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh. Theo ông, các nước phát triển chủ yếu quản lý bằng quy chuẩn, kỹ thuật với hàng hóa. Như ở Hoa Kỳ, doanh nghiệp đi vào hoạt động rất dễ nhưng muốn đưa hàng hóa vào nước này thì vô cùng khó.

Có thể lấy ví dụ cụ thể về ngành kinh doanh mũ bảo hiểm. Nếu như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và cả Văn phòng Chính phủ đều cho rằng không cần thiết ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh mặt hàng này, thì nhiều cơ quan quản lý lại có ý kiến ngược lại.

Các cơ quan quản lý chuyên ngành cho rằng trong bối cảnh thị trường có rất nhiều mũ bảo hiểm kém chất lượng, thì việc siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm là cần thiết để bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Lập luận này không hẳn không có lý, nhưng như phân tích của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trước khi đặt ra điều kiện kinh doanh – tức rào cản gia nhập thị trường của doanh nghiệp – các cơ quan quản lý cần trả lời câu hỏi: Liệu có cách nào khác vừa đạt được mục tiêu quản lý, vừa không gây phiền hà cho doanh nghiệp? Theo Văn phòng Chính phủ, không cần thiết quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề này, vì chỉ cần quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ này bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được bộ ban hành.

Làm việc với các bộ ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh tinh thần cởi trói, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Nếu có ranh giới không rõ ràng giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn, tiêu chuẩn thì thà “bỏ sót” điều kiện kinh doanh còn hơn là đưa vào nghị định để trói buộc doanh nghiệp”, ông nói.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định “băn khoăn lớn nhất” là phân biệt điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, kỹ thuật. “Rạch ròi được thì tuyệt vời, nhưng nếu chưa rạch ròi được thì tôi cho rằng nên thiên về quy chuẩn, kỹ thuật cho tới khi làm rõ, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, đợt rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh lần này là cơ hội chưa từng có để chúng ta tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sao cho thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện đối với tất cả người dân và doanh nghiệp.

“Đây là cơ hội để đánh giá lại quan hệ Nhà nước và thị trường để xem Nhà nước cần phải làm gì, cần quản lý cái gì và như thế nào. Những gì Nhà nước không cần quản lý thì phải bỏ đi hoặc đưa về hậu kiểm. Nhà nước không đưa ra các điều kiện kinh doanh hạn chế người dân gia nhập thị trường; thay vào đó, Nhà nước cần đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn để giám sát. Chúng ta đang chuyển mạnh từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích, đánh giá rủi ro”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với báo chí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thường xuyên rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, các giấy phép con bất hợp lý, không đặt ra các quy định mới gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Hơn thế nữa, trước những ý kiến cho rằng nhiều ngành nghề không cần phải có điều kiện kinh doanh mặc dù Luật Đầu tư đã quy định, Thủ tướng còn giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát lại 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật, trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, đồng thời là Tổ phó Thường trực Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, qua rà soát của Tổ công tác, trước mắt có thể loại bỏ được thêm khoảng 30 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được luật định.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Suy cho cùng, điều kiện kinh doanh là một rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, do đó, chỉ được đặt ra trong những trường hợp rất đặc biệt như trên và khi không còn cách nào khác tốt hơn.

Bỏ một điều kiện kinh doanh là tạo thêm rất nhiều thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp, trong khi cơ quan nhà nước vẫn có những cách thức khác để quản lý tốt hơn.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác