(Congannghean.vn)-Chợ Cầu (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là chợ duy nhất ở Nghệ An được Bộ Công thương và UBND tỉnh chọn để xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP). Đây cũng là 1 trong 31 chợ đầu tiên của cả nước được chọn làm thí điểm xây dựng chợ ATTP. Tuy nhiên, để thực hiện thành công kế hoạch trên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập cần được giải quyết.
Có rất ít gian hàng bán thực phẩm tươi, đảm bảo VSATTP tại Nghệ An |
Từ giữa năm 2015, chợ Cầu là chợ đầu tiên trong toàn tỉnh được Sở Công thương lựa chọn để xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP. Mục tiêu chính của kế hoạch là từ thành công của mô hình này, sẽ tiến hành nhân rộng tại hệ thống các chợ nông thôn trên địa bàn; đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP cho các hộ kinh doanh tại chợ, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý trong vấn đề đảm bảo VSATTP nói chung và VSATTP tại các chợ nói riêng.
Khi chủ trương trên được triển khai tại chợ Cầu, người dân và các tiểu thương trong chợ rất đồng tình, ủng hộ. Theo đó, ý thức của các hộ kinh doanh về buôn bán thực phẩm sạch, an toàn có sự chuyển biến tích cực.
Được xây dựng với số tiền 1,9 tỉ đồng, dự án xây dựng thí điểm chợ Cầu thành chợ đảm bảo ATTP cũng sẽ được đầu tư nhiều hạng mục khác nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình kinh doanh.
Theo đó, chợ sẽ được quy hoạch theo các khu buôn bán riêng với từng loại mặt hàng để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm chéo giữa thực phẩm đã qua chế biến và thực phẩm sống. Ngoài ra, chợ còn có khu vực thu gom, tập kết rác thải, khu vực rửa tay. Các điểm tập kết, chứa hàng hóa được thiết kế phù hợp với đặc thù của từng mặt hàng và đảm bảo VSATTP.
“Hiện, đề án vẫn đang trong quá trình triển khai. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình mua bán, kinh doanh. Xã cũng xem đây là cơ sở để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, giao thương trong vùng. Hơn thế, việc xây dựng mô hình còn giúp người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng hơn khi mua hàng tại chợ, từ đó làm tăng lượng khách đến đây”, ông Trần Lê Chương, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn cho biết.
Khó khăn trong quá trình xây dựng chợ Cầu thành chợ đảm bảo ATTP là vấn đề nguồn gốc sản phẩm. Thực tế cho thấy, các mặt hàng bày bán tại chợ hiện chủ yếu là hàng nông sản (chiếm gần 60%), do bà con trong vùng sản xuất. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường không có nhãn hiệu, chưa được kiểm soát và chứng nhận đảm bảo VSATTP.
Để chợ Cầu thực sự là chợ ATTP, chính quyền xã cũng đã nghĩ đến phương án chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do mức sống của đa số người dân trong vùng còn thấp, cuộc sống chủ yếu là “tự cung tự cấp” nên việc triển khai dự án thí điểm sẽ khó thực hiện nếu không có cơ chế hỗ trợ.
Thực tế hiện nay, chủ trương xây dựng chợ đảm bảo ATTP là hoàn toàn đúng đắn, thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ những hạn chế đã chỉ ra cho thấy, việc xây dựng thành công mô hình chợ ATTP là không dễ dàng và đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành cùng sự đồng thuận của các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân.
“Hiện, nguồn thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh khá dồi dào. Tuy nhiên, để tiêu thụ có hiệu quả thì cần có sự liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP. Người dân cũng mong muốn, đối với những địa phương triển khai mô hình thí điểm chợ ATTP, sẽ có nhiều dự án về phát triển nông nghiệp sạch hoặc các mô hình kết nối giữa các hợp tác xã, các vùng miền để cung cấp nguồn rau và thực phẩm an toàn cho các chợ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng...”, bà Trần Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Nghệ An cho biết.