(Congannghean.vn)-Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh và nhân dân Nghệ An cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, đưa Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Nghệ An đã chú trọng đẩy mạnh việc đầu tư, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN).
Thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh đã chứng minh hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN trong việc đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh, tạo nhiều việc làm, đồng thời giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động dôi dư và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
ANTT được đảm bảo, tạo môi trường an toàn cho các nhà đầu tư (Ảnh trong bài: Cán bộ Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh và nhân viên bảo vệ Công ty Matrix Vinh bàn phương án đảm bảo ANTT) |
Gia đình ông Nguyễn Hoàng - bà Hồ Thị Vân thuộc diện hộ nghèo của xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Dù quanh năm “chân lấm tay bùn” với việc đồng áng nhưng cuộc sống của gia đình vẫn không khấm khá. 5 người con của ông bà đã đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn không có công việc ổn định.
Tuy nhiên, từ khi Công ty Namsung Vian xây dựng nhà máy, tạo việc làm cho nhiều lao động phổ thông tại địa phương, trong đó có 2 người con của ông Hoàng thì cuộc sống gia đình đã dần khởi sắc, với mức thu nhập ổn định.
Được biết, có rất nhiều con em trong các gia đình ở các xã lân cận cũng có công việc ổn định nhờ việc hình thành KCN Tháp - Hồng - Kỷ trên địa bàn. Giải quyết việc làm cho lao động phổ thông được đánh giá là hiệu quả thiết thực nhất mà các KCN, KKT đã mang lại cho tỉnh nhà.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII; Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI, XVII, XVIII đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, là trung tâm tài chính, thương mại, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch xây dựng KKT Đông Nam tại Quyết định số 1534 ngày 21/10/2008 gồm các khu chức năng: 2 KCN (KCN Thọ Lộc và KCN Nam Cấm), 5 khu đô thị, 1 khu phi thuế quan, 1 khu công nghệ cao, 1 khu trung tâm đào tạo nhân lực, các khu du lịch, Cảng nước sâu Cửa Lò gắn với KKT Đông Nam.
Tiếp đó, trong 2 năm 2014, 2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh diện tích KKT thêm 1.200 ha, bao gồm: KCN Hoàng Mai và KCN Đông Hồi; điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam, mở rộng thêm 750 ha dự án Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ VSIP Nghệ An. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chức năng.
Về KCN, dựa trên những đặc điểm tự nhiên, địa hình của từng địa phương, tỉnh đã quy hoạch xây dựng các KCN để khai thác tối đa lợi thế và những ưu thế, thuận lợi của địa phương.
Theo Văn bản số 2244/TTg-KTN ngày 22/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN, tỉnh Nghệ An có 8 KCN nằm trong danh mục các KCN của cả nước ưu tiên phát triển đến năm 2015 có tính đến năm 2020, với tổng diện tích các KCN sau khi được điều chỉnh, bổ sung là 2.860 ha.
Đến nay, các KCN đã cơ bản hoàn thiện và thu hút nhiều công ty, dự án quan trọng, gồm: KCN Bắc Vinh với diện tích 60 ha, KCN Hoàng Mai với diện tích 289,67 ha, KCN Đông Hồi với diện tích 450 ha, KCN Nam Cấm với diện tích 327 ha...
Từ khi thành lập đến nay, các KKT, KCN đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thu hút hàng loạt dự án, nhà đầu tư lớn. Trong đó phải kể đến các dự án Tôn Hoa Sen tại KCN Đông Hồi, VSIP, Tổng kho Xăng dầu DKC, Cảng Cửa Lò bến số 5,6...
Tính đến thời điểm hiện nay, KKT Đông Nam và các KCN đã thu hút 151 dự án đầu tư đang còn hiệu lực, trong đó có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hiện, đã có 61 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 11 dự án FDI. Quy mô và chất lượng của các dự án cũng có sự thay đổi cả về chất và lượng.
Trong năm 2015, việc hình thành Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ VSIP tại Nghệ An đã cho thấy sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc đẩy mạnh hình thành KCN, đô thị đạt chuẩn các tiêu chí, điều kiện. Đây cũng là minh chứng cụ thể nhất cho việc, Nghệ An có đủ điều kiện để thu hút nhiều dự án lớn với những đòi hỏi, tiêu chuẩn khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế. Hiện nay, VSIP đã bước đầu thu hút 5 dự án.
Hàng loạt dự án lớn hoạt động hiệu quả đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh. Trung bình hàng năm, hoạt động của các KCN, KKT đã đóng góp khoảng 10% ngân sách trong tổng thu ngân sách của tỉnh; riêng năm 2015 là 850 tỉ đồng. Các KKT, KCN trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu như đạt mục tiêu đề ra, Khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ VSIP dự kiến sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả, chuyển biến rõ rệt mà các KKT, KCN mang lại cho Nghệ An, vẫn còn những tồn tại, bất cập. Để chuẩn bị tốt cho các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án, Ban quản lý các KKT, KCN đã tiến hành khảo sát cụ thể. Song, lý do chính khiến việc triển khai công tác quy hoạch hạ tầng gặp nhiều khó khăn là do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.
Muốn hình thành, triển khai các dự án, nhà đầu tư luôn đòi hỏi cao về hệ thống đường giao thông, điện lưới, nước, hệ thống xử lý nước thải và các quy định về môi trường...
Trong khi so với các tỉnh lân cận, hạ tầng kỹ thuật vẫn là rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong việc lựa chọn Nghệ An làm điểm đến trong việc triển khai các dự án.
Theo ông Phan Xuân Hóa, Phó Ban quản lý KKT Đông Nam: Riêng trong năm 2015, KKT Đông Nam đã hoàn thành và đưa 3 công trình vào sử dụng, bao gồm: Đường giao thông chính khu B, hệ thống xử lý nước thải khu B - KCN Nam Cấm, Dự án xây dựng đường điện cấp cho Nhà máy sản xuất, chế biến đóng hộp thủy sản Royal food và Nhà máy thực phẩm tươi sống, kho lạnh tại khu B - KCN Nam Cấm. Các công trình đang được tiếp tục thi công như: Dự án đường N2, Dự án đường ngang N5, Dự án đường D4. Riêng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được bố trí để xây dựng hạ tầng KKT Đông Nam và các KCN trong năm 2015 là khoảng 315 tỉ đồng.
Liên quan đến việc hình thành các KKT, KCN, điều tất yếu là phải xây dựng nhà ở cho công nhân và đảm bảo an sinh xã hội. Theo khảo sát, khoảng 4.500 công nhân có nhu cầu về nhà ở, trong đó KCN Nam Cấm chiếm số lượng lớn nhất, với 2.500 người.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình nhằm đảm bảo các nhu cầu an sinh xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mục tiêu xây dựng hệ thống nhà ở cho công nhân đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Điều này tác động không nhỏ đến an sinh xã hội, công tác đảm bảo ANTT và nâng cao chất lượng lao động của cán bộ công nhân viên.
Ông Phan Xuân Hóa cho biết: Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân, sau khi khảo sát tình hình, Ban Quản lý KKT Đông Nam đã lập quy hoạch về khu nhà ở cho công nhân tại Nam Cấm, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc. Tuy nhiên, dự án trên không thể triển khai vì vướng vào một dự án khác và thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện, Ban Quản lý đang lựa chọn địa điểm khác và lập quy hoạch để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tác động đến môi trường cũng là nỗi lo chung của các cấp chính quyền và người dân tại các KKT, KCN. Để đảm bảo sự hài hòa về lợi nhuận, giá trị kinh tế trước mắt với yêu cầu phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền và Ban Quản lý phải đề ra những tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với nhà đầu tư. Cam kết giữa hai bên trong việc bảo vệ môi trường chính là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu duy trì và giữ vững giá trị, hiệu quả mà các KKT, KCN mang lại.
Bên cạnh đó, song song với đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, việc kiểm tra, đôn đốc phải được tiến hành thường xuyên và liên tục, qua đó kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ. Riêng năm 2015, đã có 7 dự án bị thu hồi, tổ chức định giá tài sản đã đầu tư và bàn giao mặt bằng cho các dự án mới.