Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201605/loan-thuc-pham-chuc-nang-675419/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201605/loan-thuc-pham-chuc-nang-675419/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Loạn' thực phẩm chức năng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 04/05/2016, 14:52 [GMT+7]

'Loạn' thực phẩm chức năng

(Congannghean.vn)-Chỉ hơn 10 năm du nhập vào thị trường Việt Nam nhưng thực phẩm chức năng (TPCN) đang từng bước chiếm lĩnh thị trường và phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, TPCN có thực sự là “thần dược” như quảng cáo hay không vẫn đang là câu hỏi lớn.

“Loạn” thực phẩm chức năng

Theo tổng hợp từ Sở Y tế, hiện toàn tỉnh Nghệ An có hơn 1.500 cửa hàng, ki-ốt bán thuốc và dược liệu. Qua thống kê, hầu hết các điểm trên đều có bán TPCN.  Riêng trên địa bàn TP Vinh có trên 340 quầy thuốc có bán các sản phẩm TPCN. Ngoài ra, còn rất nhiều điểm bán lẻ và quầy mỹ phẩm bày bán đa dạng các chủng loại TPCN dán mác “hàng xách tay chất lượng cao”.

“La liệt” các loại TPCN tại các cửa hàng được quảng cáo công khai
“La liệt” các loại TPCN tại các cửa hàng được quảng cáo công khai

Đề cập đến vấn đề này, ông Hồ Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cho biết: “TPCN có tác dụng nhất định đối với cơ thể con người, tạo nên trạng thái thoải mái và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đúng về công dụng của các loại TPCN.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp và loại hình phương tiện thông tin đại chúng vì nhiều lý do đã quảng cáo không đúng về tác dụng của một số loại TPCN; đơn cử như nhiều sản phẩm TPCN được ví như “thần dược”, có thể chữa nhiều loại bệnh, dẫn tới gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng”.

Dạo quanh một vòng các tuyến đường lớn trên địa bàn TP Vinh như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Đinh Công Tráng, Nguyễn Viết Xuân…, chúng ta dễ thấy nhiều cửa hàng bán TPCN với các biển hiệu quảng cáo hàng “xách tay” của các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tại một cửa hàng bán TPCN “xách tay” trên đường Nguyễn Văn Cừ, qua tìm hiểu thông tin trên website của cửa hàng, chúng tôi nhìn thấy dòng chữ cam kết là hàng chính hãng. Tuy nhiên, khi trực tiếp đọc thông tin trên sản phẩm lại không thấy bất kỳ thông tin cần thiết nào bằng tiếng Việt như đơn vị nhập khẩu, nhà phân phối, tem chống hàng giả của Bộ Công an, nhãn phụ tiếng Việt… trên vỏ hộp. Khi được hỏi, chủ cửa hàng phân trần đó là hàng “xách tay” nên không có các giấy tờ trên.

Tìm đến một quầy bán thuốc gần chợ Ga Vinh, qua tìm hiểu được biết, ngoài thuốc chữa bệnh, quầy còn bày bán khá nhiều loại TPCN. Các sản phẩm TPCN tại đây chủ yếu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Các mặt hàng đa dạng về chủng loại, mức giá cũng có sự chênh lệch khá lớn, từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hàng bình dân và lên tới hơn 4 triệu đồng đối với hàng cao cấp hoặc hàng hỗ trợ điều trị các bệnh tai biến, tim mạch. Về nguồn gốc, các sản phẩm chủ yếu được nhập từ các nước lớn, uy tín như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Theo lời của chủ quầy thuốc, khách hàng thường “chuộng” những sản phẩm TPCN được sản xuất ở nước ngoài hơn là nội địa, cho dù giá của các loại này đắt hơn từ 1,5 - 2 lần so với cùng sản phẩm được sản xuất trong nước.

Thị trường TPCN đa dạng và phong phú là vậy, nhưng liệu người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm, tin tưởng về chất lượng sản phẩm mình mua là xứng đáng với số tiền lớn đã bỏ ra?

Trước thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Duẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: “Các sản phẩm TPCN hiện nay "thật giả lẫn lộn". Trong năm 2015, Chi cục đã phát hiện, xử lý 51 vụ kinh doanh thuốc tân dược để lẫn TPCN, xử phạt hành chính hơn 40 triệu đồng và xử lý 1 vụ nhập lậu vô chủ, thu giữ 44 lọ collagen AFC 1.200 mg, 50 viên lọ thuốc giảm cân Best slim.

Trong 4 tháng đầu năm 2016, đơn vị phát hiện, xử lý 1 vụ nhập lậu vô chủ, thu giữ 100 lọ TPCN. Tổng trị giá hàng vi phạm hơn 56 triệu đồng”.

Không chỉ có mặt tại các điểm bán lẻ, nhiều sản phẩm TPCN cũng được bán thông qua các cuộc hội thảo, bán hàng đa cấp. Tại đây, sau khi giới thiệu sản phẩm, nhân viên của cuộc hội thảo sẽ bán các sản phẩm TPCN cho khách hàng với nhiều hình thức khuyến mãi như giảm giá hoặc kèm quà tặng.

Theo quy định, khi quảng cáo các sản phẩm TPCN, cần phải truyền tải thông tin: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” đến khách hàng. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết khách hàng không được khuyến cáo điều đó. Ngược lại, công dụng của các loại TPCN còn được “thổi phồng”, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.

Tăng cường quản lý

Bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho rằng: Sự “hỗn loạn” của thị trường TPCN đã gây không ít khó khăn trong công tác kiểm tra, tạm giữ hàng hoá và thực thi quyết định xử phạt. Cùng với đó, công tác quản lý mặt hàng này còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là quản lý bán hàng “xách tay” trên mạng internet.

“Liên quan đến công tác kiểm soát việc bày bán các loại TPCN vẫn còn nhiều khó khăn, vì phần lớn TPCN được nhập khẩu từ nước ngoài; đặc biệt là hoạt động rao bán trên mạng internet, các trang mạng xã hội và hình thức truyền tay.

Xuất phát từ thực tế trên, để làm tốt công tác kiểm soát các mặt hàng TPCN “xách tay”, cần có sự đồng tình ủng hộ, hợp tác của người tiêu dùng; đặc biệt là không tiếp tay cho các đối tượng trong việc tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ theo quy định”.

Ông Hồ Sơn cho biết: Thời gian qua, Sở cũng đã giao Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm TPCN; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công bố công khai, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là “Cần phải có chiến dịch đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng với các cơ quan truyền thông. Chúng ta phải tuyên truyền để người dân hiểu rằng, TPCN không phải là thuốc chữa bệnh và không thay thế được thuốc chữa bệnh. Trước khi quyết định mua sản phẩm TPCN, người tiêu dùng phải đọc kỹ thông tin trên sản phẩm”, ông Sơn cho biết thêm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý các loại TPCN, cần tập trung làm tốt từ khâu xác nhận công bố, kiểm tra chất lượng sản phẩm; đối với đơn vị, cơ sở sản xuất TPCN giả, phải kiên quyết thu hồi sản phẩm và dừng cấp phép hoạt động có thời hạn.

Để tránh hàng xâm phạm quyền nhãn hiệu, doanh nghiệp phải có phiếu tra cứu nhãn và nhãn hiệu dự định công bố tại Cục Sở hữu trí tuệ để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ ban đầu. Để TPCN giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng không có cơ hội len lỏi trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng TPCN.

Ngày 24/11/2014, Bộ Y tế có Thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công bố sản phẩm, ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng TPCN, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học, kể cả thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Trong đó nêu ra các tình huống bắt buộc phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng TPCN. Các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn, đạt chất lượng, có hiệu quả, công dụng đúng như công bố mới được cấp giấy xác nhận công bố hợp quy và phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Sau ngày 15/1/2015, các doanh nghiệp sản xuất TPCN bắt buộc phải định lượng các hoạt chất chính trong sản phẩm. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành hậu kiểm.

Nếu trong quá trình thanh tra, kiểm tra (hậu kiểm), doanh nghiệp thực hiện không đúng như tự công bố trong hồ sơ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật; tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc yêu cầu thu hồi sản phẩm, thậm chí thu hồi giấy phép, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.

 

.

Hoàng Trinh

.