(Congannghean.vn)-Nhằm tiến tới mục tiêu xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân, thời gian qua, hệ thống mạng lưới y tế đã được đầu tư, mở rộng. Cùng với đó, chủ trương giao bệnh viện công tự chủ tài chính, hạch toán kinh tế như một doanh nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc đảm bảo chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế.
Lộ trình giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có hệ thống bệnh viện được Chính phủ ban hành theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP được xem là động thái tích cực nhằm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở y tế trong công tác khám, chữa bệnh. Nội dung này cũng đang được Chính phủ và Bộ Y tế quan tâm, đẩy nhanh lộ trình thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Giao quyền tự chủ cho bệnh viện công lập đòi hỏi phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Ảnh chụp tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An) |
Cùng với đó, vào ngày 1/7 sắp tới, khi Thông tư 37/2015 của liên Bộ Y tế - Tài chính được áp dụng thì viện phí sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay nên công tác “thu hút” bệnh nhân, nâng cao chất lượng điều trị có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của bệnh viện.
Mặt khác, chủ trương giao quyền tự chủ tài chính cho bệnh viện công để các đơn vị này tự hạch toán như doanh nghiệp sẽ góp phần làm giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước.
Theo đánh giá chung, chủ trương giao quyền tự chủ, tự hạch toán về kinh tế đối với bệnh viện công lập sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất lớn về chất lượng khám, chữa bệnh. Nếu những bệnh viện được giao quyền tự chủ không cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh hiện nay.
Bên cạnh đó, với việc tự hạch toán, bệnh viện công lập sẽ hoạt động như một doanh nghiệp độc lập. Vì vậy, để “thu hút” bệnh nhân, cơ sở đó phải có sự cải thiện về cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân và đưa ra chiến lược phát triển cụ thể.
Còn về phía bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn để tìm đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh tốt nhất. Bởi với việc thông tuyến cho chi trả bảo hiểm y tế, người dân có thể lựa chọn bất kỳ cơ sở nào mình cảm thấy tin tưởng nhất để điều trị.
Thạc sỹ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An cho biết: “Giao quyền tự chủ cho bệnh viện là chủ trương phù hợp với xu hướng chung hiện nay. Điều này cũng có nghĩa, Nhà nước tạo cơ chế mở cho bệnh viện công lập để các cơ sở này hoạt động hiệu quả hơn. Với chủ trương này, nếu bệnh viện công không chủ động đổi mới khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh thì sẽ bị tụt hậu và không được bệnh nhân lựa chọn”.
Trong lộ trình từ nay đến năm 2018, việc giao quyền tự chủ tài chính cho các bệnh viện công lập sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với bệnh viện tuyến huyện và ở những nơi cơ sở vật chất còn khó khăn.
“Nếu giao cho bệnh viện tuyến huyện các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong tự hạch toán, tự thu chi để chi trả tiền lương cho cán bộ thì rất khó khăn. Vì ở những địa bàn này, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống người dân còn thấp. Trong khi đó, hàng năm, Nhà nước đã phải chi một khoản kinh phí không hề nhỏ cho các bệnh viện tuyến huyện”, Thạc sỹ Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.
Còn theo ông Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc tăng giá đồng loạt gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế kể từ ngày 1/3/2016 theo Thông tư 37 và tăng giá 50% một số danh mục khám, chữa bệnh kể từ 1/7 sắp tới là để bệnh viện chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên.
Như vậy, cùng với Nghị định 43 của Chính phủ thì Thông tư 37 được xem như động thái tích cực trong việc tăng thêm quyền tự chủ về tài chính cho các bệnh viện.
Theo lộ trình đến hết năm 2016, Nhà nước sẽ cắt giảm nhiều danh mục chi thường xuyên cho bệnh viện để các đơn vị tự hạch toán, tự thu chi, đảm bảo cho hoạt động của đơn vị mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các bệnh viện phải đối mặt với nguy cơ giải thể nếu không nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh.
Như vậy, lộ trình để bệnh viện công lập được giao quyền tự chủ về tài chính cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trước khi áp dụng chủ trương này, các cấp, ngành cũng cần tiến hành rà soát, đánh giá năng lực của từng bệnh viện để từ đó đưa ra lộ trình phù hợp cho mỗi đơn vị.