Kinh tế xã hội

Thiếu kinh phí xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật

16:17, 04/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ nhiều năm qua, việc xử lý tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh đang được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Vào tháng 2/2015, đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu là 1 trong 10 “làng ung thư” trên cả nước. Sau khi thông tin này được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân xã Diễn Hải hết sức lo lắng, bất an.

Người dân địa phương cho biết, nguyên nhân của việc người chết vì ung thư gia tăng là do môi trường nước bị ô nhiễm và tồn lưu của kho thuốc BVTV từ mấy chục năm trở về trước.

Một góc “làng ung thư” xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu
Một góc “làng ung thư” xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Cho đến thời điểm hiện nay, nguồn nước ngầm trên địa bàn xóm Cờ Đỏ, xã Diễn Hải đang bị ô nhiễm rất nặng. Trong khi đó, việc xử lý tồn lưu thuốc BVTV vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do khó khăn về kinh phí. Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các điểm tồn dư thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.

Qua thống kê, Nghệ An là địa phương có nhiều điểm ô nhiễm cần phải xử lý nhất trên cả nước. Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hoá chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước, Nghệ An có 189/240 điểm (chiếm 78%) và 55/100 điểm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (chiếm 55%) tổng số các điểm trên địa bàn cả nước. Riêng trên địa bàn Nghệ An, hầu hết các huyện, thành, thị đều có điểm tồn dư thuốc BVTV.

Trước thực trạng trên, ngày 21/7/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã xác định danh sách 628 điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV cần phải xử lý. Trong thời gian qua, để từng bước khắc phục tình trạng nói trên, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động triển khai thực hiện công tác điều tra, quan trắc. Bên cạnh đó, công tác xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc BVTV cần được thực hiện khẩn trương, triệt để.

Từ năm 2011 đến năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện 22 đề án điều tra, khảo sát phạm vi mức độ ô nhiễm cho 178 điểm tồn lưu thuốc BVTV. Các ngành liên quan cũng đã và đang triển khai 18 dự án xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó có 7 dự án đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 7 dự án đang trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện 2 dự án của chương trình POP hỗ trợ bốc xúc phần đất bị ô nhiễm nặng mang đi xử lý theo quy trình khoa học.

Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn hiện vẫn còn lúng túng về công nghệ cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Theo ông Hồ Sỹ Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, kinh phí để xử lý triệt để các điểm ô nhiễm theo Quyết định 1946/QĐ-TTg và chương trình mục tiêu quốc gia là rất lớn.

Để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường, phải có kinh phí hàng tỉ đồng, trong khi đó ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên việc triển khai đồng bộ, dứt điểm còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, với mức hỗ trợ của Trung ương là 50%/dự án, còn lại là kinh phí địa phương, nhiều dự án khi xây dựng kế hoạch xong thì việc triển khai lại không thể diễn ra theo đúng thời gian. Mặt khác, công nghệ xử lý hiện nay đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để thực hiện; yêu cầu quản lý và kỹ thuật rất phức tạp.

Trước tình trạng tồn lưu thuốc BVTV ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân, nhiều cơ quan, ban, ngành đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân vùng bị ảnh hưởng các biện pháp đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, với những tác động không thể lường trước của tình trạng ô nhiễm môi trường từ thực tế trên, các cơ quan chức năng cần sớm đề xuất, triển khai thực hiện các giải pháp triệt để.

Ngọc Thái

Các tin khác