Kinh tế xã hội

Thực phẩm bẩn, độc bủa vây người dân

16:19, 30/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-“Thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc trừ sâu... Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế”... Câu nói của Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Ngọc Vinh về vấn đề thực phẩm “bẩn” ở phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội đã ám ảnh nhiều người dân.

Ở Việt Nam, dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ lâu, nhưng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề luôn “nóng”. Việc bày bán tràn lan thực phẩm quá hạn sử dụng, hoa quả được ngâm trong hóa chất, rau phun thuốc, sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm... đang khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh thu giữ lượng lớn giấm ăn giả
Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh thu giữ lượng lớn giấm ăn giả

Chợ Vinh được xem là chợ đầu mối của tỉnh Nghệ An. Theo đại diện Ban Quản lý chợ, thời gian gần đây, dù số lượng các loại hoa quả, rau củ Trung Quốc đã giảm nhiều, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn được nhập về chợ trước khi được vận chuyển đến các chợ lẻ.

Đáng chú ý là trên thị trường xuất hiện nhiều quầy hàng chuyên bán các loại hoa quả có trong danh sách hoa quả chứa chất độc hại, vượt quá ngưỡng cho phép với giá rẻ hơn nhiều lần so với hoa quả nội và hoa quả nhập từ các nước khác.

Thượng tá Nguyễn Viết Nhi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh cho biết: “Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề đáng báo động, nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây tác hại vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng nói là các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này ngày càng tinh vi, bất chấp tính mạng của người tiêu dùng và tình trạng tái phạm có xu hướng tăng”. 

Đơn cử, tại lò mổ ở xóm 15, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương cách đây 1 năm, Phòng đã phát hiện 1 đối tượng bơm nước bẩn vào bò với mục đích tăng trọng lượng để bán kiếm lời.

Ngày 14/1 vừa rồi, cũng tại địa điểm này, đối tượng Nguyễn Tất Xinh trú tại xóm 15, xã Thượng Sơn lại bị bắt quả tang về hành vi tương tự. Theo khai nhận ban đầu, chỉ cần tiêm thêm nước bẩn từ ruộng vào bò thì trọng lượng con bò có thể tăng từ 15 - 20 kg.

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, có những mặt hàng được ghi xuất xứ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng thực tế lại không xác định được tính chính xác về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, có nhiều mặt hàng được làm giả tinh vi, như mực khô được làm từ nhựa, ruốc bông, thịt xay làm bằng thịt bẩn, măng khô ngâm, tẩm với lưu huỳnh...

Riêng vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, do nhu cầu của người dân tăng cao, các cơ sở chế biến đã dùng các nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thịt, nội tạng động vật để làm nem, giò... Đặc biệt, những nơi vùng sâu, vùng xa, người dân phải tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm bẩn và hàng quá hạn sử dụng mà không hề hay biết.

Trong những tháng đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát Môi trường vừa bắt giữ một lô hàng gồm 8 thùng phi chứa 1.600 lít mỡ bẩn. Theo lời khai của Hoàng Văn Sơn trú tại xóm 3, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, toàn bộ số mỡ này được thu mua từ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Vinh rồi đem về vùng nông thôn tiêu thụ. Qua kiểm tra, hầu hết mỡ sau khi đã được chiên rán nhiều lần đều bị phân hủy về chất và rất dễ tạo thành các chất nguy hại, gây ung thư.

Điều đáng lo ngại là, trên thị trường không chỉ xuất hiện các loại nông sản nhiễm độc được nhập khẩu từ Trung Quốc mà ngay cả nhiều loại thực phẩm sản xuất trong nước sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, đường hóa học... nằm trong danh mục chất cấm cũng được bày bán ngày càng nhiều.

Ngay cả những loại rau củ như giá đỗ, măng hay những thực phẩm chế biến như bò viên, mực... cũng liên tiếp bị phát hiện được ủ, ướp bằng các chất độc hại. Mới đây nhất là vụ ngô luộc có sử dụng hóa chất và dùng pin luộc chung để giúp ngô ngon  hơn và lâu ôi thiu.

Bà Nguyễn Thị Long trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh lo lắng: "Thực phẩm bẩn không đáng lo ngại bằng thực phẩm độc hại, vì nhiều hóa chất gây ung thư. Nhiều loại biết là độc hại nhưng vẫn không thể không sử dụng. Bên cạnh đó, bằng mắt thường không thể phân biệt được thực phẩm sạch với thực phẩm bẩn và độc hại nên chúng tôi rất lo lắng".

Trên thực tế, qua các vụ việc nói trên cho thấy, tử thần luôn rình rập trong các bếp ăn. Thế nhưng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm không có chiều hướng giảm mà càng ngày càng tăng, khiến người tiêu dùng hết sức hoang mang.

Để dẫn đến thực trạng trên, nguyên nhân đầu tiên là do một số hạn chế, bất cập trong công tác quản lý của các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, ý thức của người kinh doanh, buôn bán trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng còn nhiều hạn chế cũng là tác nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Câu chuyện quản lý của các cấp, ngành liên quan vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Ngoài chế tài xử lý chưa thật sự nghiêm và mang tính răn đe, việc quy trách nhiệm của các cấp quản lý cũng chưa thật sự rõ ràng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những “cái chết từ từ” không được báo trước do chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo. Vì vậy, thực phẩm bẩn không những không giảm mà còn gia tăng. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu có sự chồng chéo trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong khâu quản lý thực phẩm.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Trần Đăng Ninh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành trong dịp Tết vừa rồi khuyến cáo người dân: “Cần cẩn trọng, lựa chọn chính xác hàng hóa trước khi mua. Nên tìm đến những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nhãn mác, có hạn sử dụng đầy đủ. Đồng thời nên cẩn trọng với những hàng đã quá hạn sử dụng hoặc hàng không có nguồn gốc, xuất xứ…”.

Hoàng Trinh

Các tin khác