(Congannghean.vn)-Là địa phương giàu tiềm năng lâm nghiệp, nhất là cây dược liệu hiếm, quý nên việc bảo tồn, phát triển, tiến tới sản xuất cây dược liệu đang được huyện Quế Phong đặc biệt chú trọng. Đây là quyết tâm của huyện trong định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá trong tư duy sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế ngành nghề nông thôn, miền núi.
“Khai mở” tiềm năng
Là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, huyện Quế Phong có tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, với diện tích rừng gần 145.000 ha, độ che phủ rừng 76,7%, có nhiều loại động, thực vật quý hiếm với hệ sinh thái đặc trưng tiêu biểu vùng Tây Bắc Nghệ An và Bắc Trường Sơn. Điều kiện tự nhiên phong phú cộng với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thứ sinh nên chủng loại động vật và thảm thực vật rừng rất đa dạng.
Huyện Quế Phong chủ trì Hội thảo về phát triển cây dược liệu trên địa bàn |
Trong đó có các loại cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên như đẳng sâm, sâm đất, mũ từn, bon bo, quế, sa nhân, chè hoa vàng và nhân trần… được đồng bào các dân tộc trên địa bàn thu hái, sử dụng làm thuốc chữa trị và bán ra thị trường để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện có một số hộ gia đình đã bắt đầu trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các loại cây dược liệu để làm thuốc.
Theo ông Vi Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Châu Thôn: Châu Thôn là xã vùng sâu của huyện, địa bàn rộng, giao thông đi lại thuận lợi nên những năm trước đây, người dân có phong trào vào rừng tìm cây bon bo để thu hái theo kiểu tận thu mà chưa có ý thức bảo vệ nguồn dược liệu. Với kiểu sản xuất tự phát theo nhu cầu của thương lái, cây bon bo có giá trị kinh tế về dược liệu đã mang lại thu nhập khá cho bà con, với giá bình quân từ 17.000 - 25.000 đồng/kg.
Qua đó góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Tương tự, ở vùng trung tâm, xã Châu Kim lâu nay là nơi tập trung một lượng lớn cây chè hoa vàng và sa nhân.
Bà Vi Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Châu Kim cho biết: Trên địa bàn xã, cây chè hoa vàng chiếm diện tích khá lớn. Ngoài ra, loài cây này còn có nhiều ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch, Tiền Phong và Mường Nọc, được người dân thu hái tươi, có giá bán từ 300.000 - 500.000 đồng/kg, nếu phơi khô là 2,5 - 3,5 triệu đồng/kg.
Ngoài cây bon bo, chè hoa vàng, trên địa bàn các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch, cây đẳng sâm lâu nay được người dân sử dụng để chữa trị một số loại bệnh và có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng tại xã Thông Thụ hiện đang trồng thử nghiệm gần 1 ha, theo tính toán, giá bán bình quân cây tươi từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.
Lãnh đạo huyện Quế Phong tham gia khảo sát cây chè hoa vàng tại xã Đồng Văn |
Theo khảo sát, thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta trên 3.900 cây làm thuốc, trong đó tại Nghệ An có 962 loài và huyện Quế Phong có hơn 372 loài đã và đang có nguy cơ bị tàn phá và suy kiệt nghiêm trọng. Trong đó có nhiều loại quý hiếm, có khả năng biến mất hoàn toàn do tình trạng khai thác bừa bãi, ồ ạt, không có kế hoạch, trong khi công tác bảo tồn và tái sinh chưa thật sự được chú trọng.
Hiện nay, việc phát triển dược liệu trong nước hàng năm mới chỉ đáp ứng khoảng 48% nhu cầu, ngoài ra phải nhập khẩu một lượng dược liệu rất lớn để đảm bảo nhu cầu trong nước. Vì vậy, việc xây dựng một vùng trồng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh nói chung và 3 loại: Cây chè hoa vàng, đẳng sâm và bon bo trên địa bàn huyện Quế Phong đang trở nên cần thiết.
Gắn hiệu quả kinh tế, đảm bảo nguồn gen
Cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông của huyện Quế Phong đang từng bước được đồng bộ hóa để phục vụ quá trình giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa trong và ngoài huyện. Đây là địa phương có quỹ đất rất lớn, tính chất đất, khí hậu phù hợp với việc phát triển các loại cây dược liệu sẵn có.
Căn cứ Quyết định số 1976/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020, huyện Quế Phong đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, giai đoạn 2015 - 2020 với Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2015 - 2020”.
Đề án được thực hiện trên diện tích dự kiến 334,5 ha tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim, Nậm Giải, Nậm Nhóng, Châu Thôn và Tri Lễ với các loại cây dược liệu gồm chè hoa vàng, đẳng sâm và bon bo. Cụ thể là, bảo tồn 275 ha hiện có để nâng cao chất lượng và năng suất là cây bon bo, chè hoa vàng; đồng thời trồng mới 3 loại cây trên với diện tích 59,5 ha.
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Thực tế trong nhiều năm qua, trước khi triển khai Đề án, một số xã trong huyện có một số loại cây dược liệu sẵn có trong tự nhiên, đã và đang được người dân bảo tồn, phát triển. Tuy nhiên, qua đánh giá tổng thể, kinh tế của địa phương còn kém phát triển, mặt bằng dân trí cũng là một hạn chế lớn trong quá trình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, đời sống người dân còn thấp nên việc đầu tư cho phát triển sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhân dân tại các xã đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đang ở thế độc canh cây lúa, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp nên số lượng sản phẩm làm ra chưa nhiều, chưa bền vững và mang tính ổn định, lâu dài.
Vì vậy, ngay khi Đề án được thực hiện, nếu được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự đầu tư đảm bảo theo quy trình, tổ chức sản xuất, thu mua từ phía các doanh nghiệp thì việc trồng, bảo tồn và phát triển cây dược liệu chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời làm thay đổi bộ mặt cảnh quan môi trường, nâng độ che phủ rừng, tạo việc làm ổn định cho người dân, nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo một cách bền vững, qua đó góp phần xây dựng địa phương ngày càng khởi sắc.
Đánh giá về triển vọng của Đề án, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cho biết: Để triển khai Đề án hiệu quả, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, từng bước đổi mới nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu.
Song song với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể - xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Vấn đề quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh tế cũng như xã hội của Đề án là cần có sự phối hợp chặt chẽ của “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) cùng với sự gắn kết của 4 khâu quan trọng tạo ra chuỗi giá trị trong công nghiệp dược là nghiên cứu - phát triển - sản xuất và thị trường.
Ngày 6/4, UBND huyện Quế Phong phối hợp với Hội đồng KH&CN, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học về các giải pháp thực hiện Đề án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2016 - 2020. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng trồng và phát triển dược liệu; về công tác quy hoạch các vùng trọng điểm bảo tồn, phát triển nguyên liệu cây dược liệu, mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng nguyên liệu tại huyện Quế Phong cũng như trên địa bàn tỉnh. |