Kinh tế xã hội
Nghệ An: Rác thải sinh hoạt quá tải
Các tin liên quan |
(Congannghean.vn)-Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội, trong đó nghiêm trọng nhất là tình trạng ô nhiễm từ lượng rác thải sinh hoạt quá tải ở nhiều địa phương. Trong khi đó, các dự án xử lý rác vẫn đang tiến hành ì ạch, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân.
Nhiều bãi rác quá tải, ô nhiễm
Từ thông tin phản ánh của người dân, một ngày gần đây, chúng tôi có mặt tại một bãi rác nằm ở khu vực khối 1, thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp. Tại đây tập trung đủ loại rác, từ rác thải sinh hoạt, rác thải rắn của các xưởng chế biến đá đến xác động vật...bốc mùi hôi thối.
Người dân bức xúc, chính quyền gặp khó trong khâu xử lý rác thải sinh hoạt quá tải |
Qua tìm hiểu được biết, đây là bãi rác tập trung duy nhất của huyện Quỳ Hợp. Hầu hết rác được đưa đến đây đều chưa qua phân loại, dẫn đến tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân sinh sống ở khu vực xung quanh bãi rác.
Còn tại huyện Thanh Chương, bãi rác Cồn Lim ở xã Thanh Dương được biết đến như một “điểm đen”. Khi gần đến nơi, dù đứng cách xa nhưng chúng tôi dễ dàng thấy những ngôi mộ bị bao quanh bởi đủ loại rác thải.
Qua tìm hiểu được biết, vị trí này không phải là nơi quy hoạch bãi rác tập trung của các xã. Việc xả rác tại đây mang tính tự phát, theo thời gian trở thành bãi rác “khổng lồ” như hiện nay. Người dân ở đây cho biết, do chính quyền địa phương không kiên quyết ngăn chặn từ đầu nên dẫn đến việc hình thành một bãi rác “bất đắc dĩ” ở nghĩa trang Cồn Lim, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân trong vùng.
Tại huyện miền núi Quế Phong, nằm cách thị trấn Kim Sơn không xa là một bãi rác “lộ thiên” gây ô nhiễm trầm trọng. Theo phản ánh, bãi rác này hình thành cách đây hơn 10 năm, diện tích bãi rác chật hẹp trong khi lượng rác ngày càng lớn nên dẫn đến quá tải, bốc mùi hôi thối.
Xử lý rác gặp khó
Trao đổi với phóng viên, ông Trình Văn Bằng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thanh Chương cho biết: Hiện tại, huyện đã hoàn thành việc quy hoạch bãi tập kết rác thải, khâu đền bù giải phóng mặt bằng cũng đã thực hiện xong.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là nguồn vốn để xây dựng các hạng mục công trình của bãi rác thì vẫn chưa có. Tại các xã xây dựng nông thôn mới, đã quy hoạch bãi rác thải riêng. Chúng tôi đã chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân tập kết rác đúng nơi quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại huyện Quỳ Hợp, qua trao đổi, ông Lê Sỹ Hảo, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất một bãi rác tập trung nên dẫn đến tình trạng quá tải và ô nhiễm. Huyện cũng đã có phương án quy hoạch bãi rác mới, địa điểm là ở Thung Khạng, nhưng còn khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng nên chưa giải quyết được”.
Cùng cảnh ngộ trên, tại huyện Quế Phong, từ năm 2013, công trình xử lý rác thải được khởi công xây dựng tại bản Bon, xã Tiền Phong với tổng mức đầu tư gần 55,5 tỉ đồng, trên diện tích gần 20.000 m2, công suất chôn lấp đến năm 2024 đạt gần 50.000 tấn. Tuy nhiên, do thiếu vốn và vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Có thể nói, thực trạng rác thải sinh hoạt quá tải trong những năm gần đây là vấn đề đáng báo động. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, việc tìm vị trí quy hoạch bãi rác vốn đã khó thì khi đã quy hoạch xong địa điểm lại phát sinh khó khăn về kinh phí xây dựng. Rác thải sinh hoạt sẽ còn là nỗi lo lắng kéo dài của không ít người dân, không chỉ ở thành phố, thị xã mà ngay cả ở vùng nông thôn hiện nay.
Vinh Thành