(Congannghean.vn)-Đã thành thông lệ, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm, thị trường việc làm, lao động lại có nhiều biến động. Tình trạng công nhân “nhảy việc” khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động vào thời điểm này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đến nay, các doanh nghiệp đã chính thức trở lại làm việc được hơn 1 tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nhưng nhu cầu về lao động vẫn còn thiếu. Qua thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đến thời điểm hiện nay, tình trạng công nhân không trở lại làm việc tại các doanh nghiệp vẫn còn diễn ra.
Thống kê ban đầu cho thấy, hiện có khoảng trên 600 lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không quay trở lại làm việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tâm lý “nhảy việc” của công nhân sau Tết, chế độ đãi ngộ cho lao động của các doanh nghiệp chưa phù hợp, lương thấp… khiến người lao động bỏ việc để tìm kiếm môi trường mới. Đó là chưa kể, một số lao động tại địa phương nghe theo lời rủ rê của bạn bè bỏ việc để vào làm công nhân tại các doanh nghiệp ở miền Nam, miền Bắc.
Công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tại Công ty may Lan Anh |
Đặc biệt, tại nhiều địa phương như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, TX Hoàng Mai…, tình trạng người lao động bỏ các công ty trong nước để đi lao động “chui” sang Trung Quốc vẫn còn tái diễn. Mặc dù biết trước việc làm đó có thể gây ra nhiều hệ lụy nhưng người lao động vẫn bất chấp tất cả. Nhiều trường hợp lao động bị chủ doanh nghiệp Trung Quốc quỵt lương, đánh đập…, phải sống trong môi trường làm việc nguy hiểm.
Mặc dù, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không đi làm việc trái phép ở nước ngoài nhưng tình trạng người lao động sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp vẫn còn tái diễn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc ổn định thị trường lao động trong nước vào thời điểm hiện nay.
So với các năm trước, để “giữ chân” người lao động, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ cao nhưng tình trạng công nhân bỏ việc vẫn còn diễn ra. Theo thống kê ban đầu, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần khoảng trên 7.500 lao động.
Nhiều công ty cần số lượng công nhân lớn như Công ty TNHH điện tử BSE, Công ty TNHH Emtech, Công ty TNHH Matrix Vinh… Chính vì vậy, nhiều đơn vị tuyển dụng lao động đã phải liên tục đăng tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Khu kinh tế Đông Nam đầu năm 2016 đã phải đăng thông báo tuyển dụng trên 2.500 chỉ tiêu ở các vị trí khác nhau.
Bà Lan Anh, Giám đốc Công ty may Lan Anh tại TP Vinh cho biết: “So với các năm trước thì tình trạng doanh nghiệp “khát” lao động sau kỳ nghỉ Tết đã giảm. Năm nay, đơn vị chúng tôi đã có nhiều cải thiện về chính sách đãi ngộ cho công nhân nên người lao động sau khi trở về quê ăn Tết đã quay trở lại làm việc đầy đủ. Nhiều chế độ lương, thưởng, ăn ở cho công nhân đã được nâng lên nên người lao động cũng có tâm lý thoải mái để trở lại làm việc”.
Cũng theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, so với cùng kỳ năm trước, số lượng công nhân không quay trở lại làm việc đã giảm khoảng 7%. Thời điểm đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 33 doanh nghiệp thông báo tuyển dụng khoảng gần 7.500 lao động, giảm khoảng 500 chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2015.
Để ổn định thị trường việc làm, động viên người lao động quay trở lại làm việc, hiện nay, các cấp, ngành đang tuyên truyền, vận động công nhân bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, để tình trạng công nhân bỏ việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán không còn tái diễn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp cần được cải thiện hơn nữa.
Bên cạnh đó, chính sách ràng buộc, “giữ chân” người lao động cũng cần phải được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ. Đặc biệt, chế độ lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động cần phải hài hòa, phù hợp; các doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện môi trường làm việc cho công nhân.