Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201602/ky-tich-o-du-661878/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201602/ky-tich-o-du-661878/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kỳ tích Ơ đu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/02/2016, 08:52 [GMT+7]

Kỳ tích Ơ đu

(Congannghean.vn)-Đã gần 10 năm kể từ ngày các hộ dân Ơ đu ở 8 bản của 5 xã Nhôn Mai, Hữu Khuông, Hữu Dương, Kim Đa, Kim Tiến rời lòng hồ Bản Vẽ về tái định cư ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Tại đây, họ đã làm nên một cuộc “cách mạng” toàn diện bằng sự nỗ lực, đoàn kết vươn lên của chính mỗi người, mỗi gia đình, lập nên kỳ tích nơi chốn thâm sơn cùng cốc…

    Khởi sắc bản làng

Người Ơ đu sinh sống ở bản Văng Môn, xã Nga My, gồm 94 hộ với gần 420 khẩu. Đây là bản duy nhất trên địa bàn huyện Tương Dương có 100% người Ơ đu sinh sống. Năm 2006, sau khi có chủ trương nhường đất để xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ, bà con đã di dời đến tái định cư ở vùng đất này. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân Ơ đu đã nỗ lực, đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời trao truyền và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Giữa tiết trời lạnh giá vào những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà anh Lo Văn Tiến và chị Lế Thị Hòe ở bản Văng Môn. Đây là hộ được bà con suy tôn “người giỏi” của bản, bởi họ là số ít trong cộng đồng người Ơ đu nơi đây đi đầu, tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng, từng bước xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Gia đình anh Lo Văn Tiến ở bản Văng Môn là điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình
Gia đình anh Lo Văn Tiến ở bản Văng Môn là điển hình về phát triển kinh tế hộ gia đình

Năm 2011, khi cả bản Văng Môn đang loay hoay trong việc tìm hướng làm ăn thì gia đình anh Tiến đã mạnh dạn nhận đất rừng của Nhà nước để đầu tư trồng cây keo. Đến nay, sau gần 5 năm, hơn 2 ha keo của gia đình đã bắt đầu cho thu nhập. Cùng với trồng keo, gia đình anh còn đầu tư mua sắm máy móc, mở xưởng cưa xẻ gỗ, đồng thời chú trọng phát triển sản xuất và chăn nuôi, đem lại nguồn thu nhập khá.

Anh Lo Văn Tiến tâm sự: “Ngày chuyển về bản mới, cũng như bao bà con khác, nhiều đêm tôi trăn trở, suy nghĩ về hướng làm ăn, phát triển kinh tế. Sau khi được tham quan mô hình kinh tế hộ gia đình ở huyện Con Cuông, tôi và gia đình nhanh chóng bắt tay vào việc cải tạo đất vườn để trồng các loại cây lương thực như ngô, sắn”. Hàng ngày, chị Hòe chăm chỉ làm nương rẫy, còn anh Tiến cùng các con mở thêm xưởng cưa gỗ, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Cùng cách nghĩ, cách làm như gia đình anh Tiến, gia đình anh Lo Văn Pèn - chị Hắp Thị Hoa cũng nuôi chí làm giàu từ phát triển chăn nuôi. Được dự án hỗ trợ sản xuất, từ 1 con bò cái, vợ chồng anh chị đã phát triển thành đàn bò 5 con, nuôi theo hình thức nhốt. Đây hứa hẹn sẽ là hướng phát triển kinh tế mới mang lại hiệu quả cao và là mô hình hay để bà con dân bản học hỏi, làm theo.

Hay như mô hình phát triển kinh tế từ dịch vụ thương mại của hộ anh Lo Văn Tới - chị Lo Thị Nga cũng rất đáng được khích lệ. Nhận thấy việc trao đổi, mua bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày ở các bản làng còn mới mẻ, chủ yếu trông chờ vào các chuyến hàng “di động” của những người dưới xuôi lên nên sau khi vay được một ít vốn, anh chị đã mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con trong bản và xã. Thu nhập từ việc bán hàng không chỉ đủ để anh chị trang trải sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học mà còn có phần dành dụm để xây dựng nhà cửa khang trang.

Gần 10 năm kể từ ngày rời vùng lòng hồ Bản Vẽ về tái định cư ở bản Văng Môn, cuộc sống của người dân Ơ đu đã có nhiều đổi thay. Theo Bí thư Chi bộ Lo Văn Tình, hiện nay bản có trên 30% hộ khá, giàu, con em được học hành, tỉ lệ trẻ đến trường đạt 100%, cả bản có 8 sinh viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ. Cùng với đó, bản đã xây dựng được hệ thống chính trị vững mạnh với 18 đảng viên, các tổ chức đoàn thể xã hội hoạt động nề nếp, tạo được niềm tin và khơi dậy khí thế đối với bà con trong việc thi đua xây dựng gia đình ấm no, bản làng khởi sắc.

     Gìn giữ bản sắc văn hóa

Không chỉ đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà con Ơ đu ở bản Văng Môn luôn có ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.  Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng người Ơđu vẫn tự hào là một dân tộc có nền văn hóa đặc sắc. Trong đó, lễ hội đón tiếng sấm đầu năm là một nghi thức quan trọng trong đời sống sản xuất, văn hóa - xã hội của người dân.

Một góc bản làng của người Ơ đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương
Một góc bản làng của người Ơ đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương

Trải qua một thời gian dài, nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc không còn được người Ơ đu lưu giữ, phát triển đã dần bị mai một và biến mất trong đời sống sinh hoạt của họ. Hiện nay, chỉ còn rất ít người già trong bản nhớ về nghi lễ đón tiếng sấm đầu năm. Nghi lễ này có ý nghĩa đánh dấu sự bắt đầu một chu kỳ mới theo mùa vụ của nhịp sống trồng cây, hái lượm và săn bắn trong một năm. Đây còn là dịp thể hiện các nghi thức tín ngưỡng liên quan đến vòng đời.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, người Ơ đu luôn bày tỏ, gửi gắm ước muốn về cuộc sống bình yên, no đủ, đồng thời cũng là dịp để họ ý thức rõ hơn tính gắn kết cộng đồng.

Theo già làng Lo Văn Cường, lễ hội được diễn ra vào thời điểm sau tiếng sấm nổi đầu mùa mưa và diễn ra trong vòng một ngày, bắt đầu vào buổi sáng sớm và kết thúc vào ban đêm. Nghi lễ đón tiếng sấm của cộng đồng Ơ đu do ông Mo uy tín nhất đứng ra chủ trì. Người Ơ đu chuẩn bị 2 mâm cúng, bày các lễ vật gồm 1 con lợn, thịt gà, xôi, rượu cần và trầu cau.

Ông Vi Sắt Son, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương cho biết thêm: Hiện nay, Ơ đu là một trong những dân tộc có ít người nhất nên các phong tục tập quán, nét đẹp về văn hóa, ngôn ngữ cần được bảo tồn, vì qua thời gian đã bị mai một rất nhiều.

Để khôi phục và bảo tồn những nét đẹp văn hóa của người Ơ đu, đặc biệt là ưu tiên cho việc khôi phục ngôn ngữ và các lễ hội truyền thống, UBND huyện đã phối hợp với các chuyên gia tiến hành phục dựng các loại hình văn hóa truyền thống của người Ơ đu, nhất là đẩy mạnh việc thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Ơ đu ở Tương Dương” một cách hiệu quả nhất.

Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đồng bào Ơ đu trên địa bàn huyện Tương Dương, ông Vương Đình Lập, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh vô cùng phấn khởi. Người dân Ơ đu ở bản Văng Môn đang nỗ lực xây dựng cuộc sống mới đầy đủ, no ấm hơn bằng chính tinh thần đoàn kết, nỗ lực của mỗi người dân, mỗi gia đình. Và với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, trong tương lai không xa, bản Văng Môn sẽ trở thành một trong những bản làng tiêu biểu của huyện vùng cao Tương Dương nói riêng và vùng miền Tây Nghệ An nói chung.

.

Xuân Thống

.