Kinh tế xã hội

Hướng đi nào cho thực phẩm sạch? (Kỳ 2)

14:44, 16/12/2015 (GMT+7)

Kỳ 1: Hoang mang trước thực phẩm bẩn

(Congannghean.vn)-Chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2015 là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP, vai trò của các cá nhân, tổ chức đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, trên cả nước, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ATTP vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Chưa bao giờ việc chọn mua, sử dụng thực phẩm lại khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng như hiện nay.

Kỳ 2: Loay hoay tìm hướng đi cho thực phẩm sạch

Nghệ An là địa phương có diện tích rộng, dân số đông. Đây là điều kiện để hình thành vùng chuyên canh thực phẩm sạch, vừa tạo thị trường tiêu thụ rộng lớn. Trong đó, rau xanh là một trong những loại thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống.

Trong thời gian qua, vấn đề ngộ độc do sử dụng thực phẩm nói chung và rau xanh nói riêng không đảm bảo VSATTP có phần gia tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người. Vì vậy, quy hoạch phát triển sản xuất rau an toàn ở Nghệ An là rất cần thiết, vừa là yêu cầu của người dân, vừa phù hợp với xu thế phát triển sản xuất và sử dụng rau của cả nước.

Từ năm 1998, tỉnh Nghệ An đã có chủ trương "Nghiên cứu ứng dụng khoa học để phát triển sản xuất rau sạch". Mục tiêu đề ra là hình thành và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của các địa phương.

Đồng thời, áp dụng nhanh khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn sản xuất với thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; tạo sản phẩm rau an toàn cung cấp cho thị trường. Qua đó, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phát triển vùng chuyên canh rau sạch tại xã Nghi Liên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An
Phát triển vùng chuyên canh rau sạch tại xã Nghi Liên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Theo đó, từ năm 2001 đến nay, tỉnh đều dành nguồn ngân sách cho công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất rau an toàn, giao Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức chỉ đạo, ứng dụng khoa học sản xuất rau an toàn (RAT) tại một số địa phương như: Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), Diễn Xuân (Diễn Châu), Nghi Liên và Đông Vĩnh (TP Vinh), Hưng Lợi (Hưng Nguyên), Xuân Hoà (Nam Đàn) với diện tích 120 ha. Các điểm đều được đầu tư hỗ trợ giống, điện, nước tưới, phân bón và kỹ thuật sản xuất theo quy trình sản xuất RAT. Mỗi điểm chọn 2 - 3 ha để chỉ đạo trồng rau theo quy trình VietGap.

Xã Nghi Liên (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là một trong nhiều địa phương có diện tích rau lớn, thường xuyên cung ứng cho thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã, từ năm 2008, sau khi trực thuộc TP Vinh, địa phương đã được UBND TP Vinh quan tâm phát triển vùng chuyên canh rau sạch.

Năm 2011, địa phương được đầu tư làm nhà lưới, hệ thống giếng, điện, hỗ trợ về mô hình sản xuất, tập huấn kiến thức về kỹ thuật, bảo vệ thực vật. Sau khi nghiên cứu, xóm 2 được tập trung đầu tư hình thành vùng chuyên canh rau sạch với diện tích 10 ha.

Sau một thời gian đầu tư sản xuất theo quy củ và được hỗ trợ nhiều mặt, năm 2012, rau Nghi Liên được đăng ký thương hiệu chất lượng VietGap. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, việc phát triển chuyên canh rau sạch tại xã này gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân một phần là do sau thời gian đầu tư, chỉ đạo, nông dân lại tiếp tục sản xuất theo phương pháp truyền thống, RAT sản xuất chưa nhiều nên chi phí cao.

Ngoài lý do chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng thì kinh phí để được đăng ký, cấp giấy chứng nhận rau sạch cũng quá cao so với thu nhập chung của người dân. Trong khi đó, giá bán rau sạch lại ngang với rau trên thị trường, vì không có nhãn mác chứng nhận nên người tiêu dùng không có cơ sở để phân biệt được đâu là RAT.

Khó duy trì và phát triển RAT không chỉ xảy ra ở xã Nghi Liên mà còn ở nhiều huyện khác. Những địa phương có truyền thống trồng rau như Nam Đàn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An)..., nhân dân đã có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc trồng RAT, áp dụng công nghệ cao thì nhiều người lại không mặn mà. Nông dân gặp khó, việc phát triển thị trường rau sạch phải dựa vào các doanh nghiệp.

HTX Phát triển Tam nông, một trong ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào cung ứng rau sạch trên địa bàn TP Vinh. Đến nay, HTX đã có 2 cửa hàng rau sạch tại chợ Hưng Dũng và đường Lê Hồng Phong. Rau tại đây được lấy từ hai nguồn chính là tự sản xuất và các sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Đối với rau sạch của các đơn vị đã có thương hiệu, người tiêu dùng thường không đắn đo nhiều. Tuy nhiên, rau tại các vùng chuyên canh tự sản xuất, người nông dân cơ bản tuân theo quy trình ít sử dụng các loại phân bón độc hại nhưng do thiếu kinh phí để kiểm định nên một bộ phận người mua vẫn còn e ngại.

Chị Trần Thị Tình, Giám đốc HTX Phát triển Tam nông cho biết: Thời gian đầu, chúng tôi chấp nhận lỗ do rau dễ bị hư hỏng. Chọn cách tiếp cận nguồn vốn và thông tin là lựa chọn để doanh nghiệp giải quyết “bài toán” phát triển trong tương lai. Khó khăn của HTX trong đầu tư cho rau sạch cũng chính là vướng mắc chung của các doanh nghiệp đầu tư cho thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Như tại xã Nghi Liên, từ khi hình thành vùng chuyên canh rau sạch đến nay cũng chỉ có 2 doanh nghiệp Á Châu và Vingroup mạnh dạn đầu tư vào một số mặt hàng chuyên biệt.

Theo ông Trương Minh Châu, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An, đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể về diện tích RAT và các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường rau sạch trên địa bàn tỉnh.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, khó khăn trong chứng nhận nguồn rau, hạn chế trong việc áp dụng các tiêu chí VietGap, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất khiến mục tiêu hình thành, phát triển vùng chuyên canh rau sạch tại Nghệ An vẫn còn lắm gian nan. Không chỉ rau sạch, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy, hải sản cũng gặp những khó khăn tương tự. Thiết nghĩ, việc các cấp chính quyền tiếp tục huy động các nguồn vốn, sát cánh cùng doanh nghiệp và hỗ trợ người dân chính là giải pháp thiết yếu để giải “bài toán” tìm hướng đi cho thực phẩm sạch. Bên cạnh việc thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao ý thức của người nông dân thì việc hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị cũng góp phần giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Mai Hậu

Các tin khác