(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, dịch lợn tai xanh bùng phát tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với hàng chục tấn lợn thịt phải đem đi tiêu hủy đã khiến người chăn nuôi trên địa bàn “đứng ngồi không yên”. Dịch lợn tai xanh bùng phát cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngành chăn nuôi của toàn tỉnh.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh, tính đến chiều 19/10, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, qua đó phát hiện hàng trăm con lợn tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An mắc bệnh tai xanh, phải đem đi tiêu hủy.
Lực lượng chức năng đưa lợn mắc dịch tai xanh đi tiêu hủy |
Việc phát hiện lợn mắc dịch bệnh này xảy ra tại các xóm 7, 8, xã Hưng Mỹ từ đầu tháng 10 tới nay và đang có nguy cơ lan rộng trên địa bàn. Ngay sau khi phát hiện dịch, các cơ quan chuyên môn cũng đã xuống tận nhà dân để kiểm tra, tiến hành khoanh vùng dập dịch.
Cũng trong chiều 19/10, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cùng đoàn công tác xuống tận địa phương để kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương đưa ra giải pháp nhằm khống chế dịch lợn tai xanh.
Chị Hà, người nuôi lợn thương phẩm đã hơn 10 năm nay tại xóm 8, xã Hưng Mỹ buồn bã cho biết: “Năm nay, giá thịt lợn tăng nên chúng tôi quyết định đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại. Sau nhiều tháng chăm sóc, gia đình dự tính sẽ xuất chuồng hàng chục con lợn thịt cho thương lái thì nay gặp phải dịch. Vì vậy, gần 40 con lợn thịt phải mang đi tiêu hủy. Giờ đang nợ tiền thức ăn cho lợn và các khoản chi phí khác nhưng chúng tôi không biết lấy đâu ra để trả. Lợn mắc bệnh, chuồng trại bỏ không nhưng chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới có điều kiện để nhân đàn trở lại”.
Được biết, theo quy định của Nhà nước, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ thiệt hại 38.000 đồng/con lợn mắc bệnh. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, với số tiền hỗ trợ như vậy, họ mới chỉ bù đắp được một phần về vốn và công sức bỏ ra trong quá trình chăn nuôi.
Sau khi dịch lợn tai xanh bùng phát trên địa bàn Nghệ An từ đầu năm 2013 và được khống chế, phải hơn 2 năm, người chăn nuôi ở các địa phương mới có điều kiện đầu tư phát triển chuồng trại trở lại. Tuy nhiên, trước thông tin dịch bệnh xuất phát từ xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tâm lý người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng vô cùng hoang mang.
Qua tìm hiểu tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP Vinh, phần lớn người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa dám mua thịt lợn về chế biến. Nguyên nhân được đưa ra là, không thể khẳng định thịt lợn bị mắc dịch tai xanh không “trà trộn” vào các chợ.
Việc lập chốt chặn, tuyên truyền đã được triển khai đồng bộ tại vùng dịch |
Ngay sau khi phát hiện dịch tai xanh trên địa bàn xã Hưng Mỹ, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã cấp gần 300 lít hóa chất Bencocid, hàng chục tấn vôi bột khử trùng để dập dịch. Ông Dương Tất Thắng, Giám đốc cơ quan thú y vùng 3 cho biết: “Việc phát hiện dịch bệnh tai xanh ở lợn thời điểm vừa qua đã được cảnh báo từ trước. Theo chu kỳ, cứ khoảng 2 - 3 năm, dịch lợn tai xanh sẽ bùng phát trở lại. Vì trước đó, vào tháng 4/2013, dịch tai xanh đã xảy ra tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu...
Ngay sau khi có thông tin về dịch tai xanh ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An chúng tôi đã cử đoàn công tác xuống địa bàn lấy mẫu xét nghiệm và phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai cách phòng, chống dịch cho người dân”.
“Hiện nay, theo thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn Nghệ An có khoảng 250 nghìn con lợn đang được nuôi tại các chuồng trại của người dân. Dịch tai xanh xuất hiện ở lợn trong những năm qua đã khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Thông thường, dịch tai xanh ở lợn chỉ xuất hiện ở những gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ, do công tác vệ sinh phòng dịch kém. Ở những trang trại lớn, rất ít khi xuất hiện dịch tai xanh vì có phương pháp cách ly, phòng dịch tốt.
Dịch bệnh này có thể kiểm soát được nếu như người dân nhận thức được tầm quan trọng của các biện pháp vệ sinh phòng dịch từ trước. Khi xảy ra dịch, người dân nên cách ly, tuyệt đối không nên ra vào vùng dịch khi chưa có hoạt động khử trùng an toàn”, ông Dương Tất Thắng cho biết thêm.