Kinh tế xã hội

Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

Tạo nền tảng vững chắc cho những bước đột phá

08:57, 21/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-5 năm qua (2010 - 2015), tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực, dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng. Một loạt dự án, công trình trọng điểm đã được xây dựng hoàn thiện, đồng bộ, tạo nên diện mạo đô thị nông thôn mới văn minh, hiện đại. Nổi bật trong đó là các công trình về đô thị, giao thông, thủy lợi, với hạ tầng bưu chính, viễn thông phát triển nhanh, hiện đại và rộng khắp, mạng lưới cung cấp dịch vụ ngày càng được mở rộng. Đây chính là nền tảng vững chắc để tỉnh Nghệ An có những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt được Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII xác định là cơ sở quan trọng để kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, tạo nền tảng đến năm 2020 Nghệ An cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, các cấp chính quyền đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch huy động đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực cần phải tập trung ưu tiên, như về hạ tầng giao thông; hạ tầng nông, lâm nghiệp; mạng lưới điện; hạ tầng thông tin và truyền thông; hạ tầng thương mại - dịch vụ; các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng đô thị...

Cảnh quan đô thị không ngừng được nâng cấp khang trang, văn minh, hiện đại
Cảnh quan đô thị không ngừng được nâng cấp khang trang, văn minh, hiện đại

Tỉnh đã xây dựng những giải pháp hữu hiệu huy động ở mức cao nhất các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, của các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài và của toàn xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt. Một loạt các biện pháp được triển khai thực hiện như: Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư không ngừng được hoàn thiện; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển... Đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải. Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, kết cấu hạ tầng then chốt trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi vượt bậc, tạo đà cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.

Xác định vai trò, hiệu quả quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế, đầu tư cho nông nghiệp được xem là cơ sở quan trọng để Nghệ An thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Muốn tái cơ cấu nền nông nghiệp, sản xuất phát triển bền vững, hệ thống thủy lợi được xem là khâu then chốt để nông nghiệp Nghệ An chuyển mình mạnh mẽ. Theo đó, trong những năm qua, các hệ thống, công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo theo quy hoạch.

Điển hình như hệ thống thuỷ nông Bắc và hệ thống thuỷ nông Nam, hệ thống các trạm bơm và hồ đập ở các huyện (Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn...), hệ thống tiêu sông Bùng, sông Cấm. Nhiều hồ đập (hồ Bản Mồng, sông Sào, Khe Lại...), cống Nam Đàn và một số trạm bơm điện được đầu tư xây dựng mới. Đã lập dự án cống ngăn mặn, giữ ngọt sông Lam, sông Mơ trên cơ sở kêu gọi nguồn vốn ODA. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có 624 hồ chứa, 559 trạm bơm điện, 400 đập dâng và trên 4.700 km kênh mương các loại. Hệ thống đê sông, đê biển đã được chú trọng đầu tư theo quy hoạch, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đối với sản xuất và đời sống người dân.

Hệ thống cung cấp nước sạch được quan tâm đầu tư, như Nhà máy nước Vinh đã được đầu tư nâng công suất 6 vạn m3/ngày đêm, nâng cấp và xây dựng hoàn thành 17 công trình đầu mối cấp nước sạch đô thị: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Diễn Châu, Quế Phong... nâng tổng công suất cấp nước thiết kế toàn tỉnh là 8,8 vạn m3/ngày đêm. Tính đến hết năm 2014, tỉ lệ dân thành thị được sử dụng nước sạch đạt 94%, dự kiến năm 2015 đạt 97%. Hệ thống nguồn điện cao thế đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với hệ thống phân phối, truyền tải điện được tập trung đầu tư: Xây dựng mới 2 trạm biến áp (TBA) 110kV Thanh Chương, Diễn Châu, trạm 220 kV Đô Lương; cải tạo lưới điện TP Vinh, Khu công nghiệp Nam Cấm. Đến nay, có 21/21 huyện, thành, thị và 464/480 xã có điện lưới quốc gia.

Nhằm xây dựng, chỉnh trang bộ mặt đô thị, ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường, khu phố chính được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo cảnh quan hiện đại, khang trang hơn. Trong 5 năm qua, đã thành lập mới TX Hoàng Mai, TX Cửa Lò được công nhận đô thị du lịch biển; nhiều thị trấn, trung tâm của các huyện được quy hoạch, xây dựng và nâng cấp; nhiều khu đô thị mới được hình thành và phát triển; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Hầu hết các tuyến đường đô thị chính được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh tạo cảnh quan đô thị hiện đại, môi trường sống an toàn và chất lượng.

Công tác chỉnh trang phát triển đô thị, vệ sinh môi trường và an sinh xã hội được quan tâm, công trình Trạm xử lý nước thải TP Vinh, Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần làm giảm mức độ ngập úng, đảm bảo vệ sinh môi trường cho địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận. Tốc độ đô thị hóa khá nhanh ở cả thành phố, thị xã và các thị trấn huyện lỵ, đã làm thay đổi diện mạo các huyện, thị xã và thành phố, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư, đã hoàn thành 230 km các tuyến quốc lộ, 300 km tỉnh lộ, 3.272 km đường giao thông nông thôn và các tuyến đường khác. Một số công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng, nâng cấp như: QL1, QL7, QL15, QL46, QL48, QL1 - Đông Hồi, đường Tây Nghệ An, Châu Thôn - Tân Xuân, đại lộ Vinh - Cửa Lò, cầu Bến Thủy 2; 6 cầu vượt đường sắt và các cầu qua sông được xây dựng, thay thế các bến đò, cầu vào các bản vùng sâu, vùng xa.

Sân bay Vinh được nâng cấp đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả, đạt công suất 2,5 triệu hành khách/năm, là sân bay có lượng hành khách nội địa tăng trưởng cao nhất cả nước qua các năm 2012, 2013 và 2014. Trong khi đó, Cảng hàng không Vinh được điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế. Cảng biển quốc tế Cửa Lò đáp ứng cho tàu 1 vạn tấn ra vào thường xuyên, an toàn, thuận lợi; đã khởi công xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cụm cảng Đông Hồi. Hệ thống đường sắt được thường xuyên duy tu, sửa chữa đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; từng bước đổi mới xúc tiến đầu tư theo phương thức vận động trực tiếp…

Có thể thấy, những kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng then chốt thời gian qua đã tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh nhà. Nhờ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, kế hoạch nên đây được xem là một trong nhiều dấu ấn đẹp mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, tạo cơ sở vững chắc để đạt những kết quả tốt hơn trong nhiệm kỳ tới.

Mai Hậu

Các tin khác