Kinh tế xã hội

Phát huy hiệu quả vốn rừng

08:32, 15/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 904.642,98 ha rừng trên tổng số hơn 1.160.242 ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó có 737.762,72 ha rừng tự nhiên, độ che phủ đạt 54,6%. Do đó, khai thác hiệu quả tiềm năng và tối đa nguồn lợi từ rừng trên cơ sở đảm bảo sự bền vững của các yếu tố liên quan đang là hướng đi cho sự phát triển kinh tế ở các địa phương. Tuy nhiên, việc làm này cũng tồn tại một số khó khăn nhất định.

Rừng và đất lâm nghiệp Nghệ An hiện nay chủ yếu tập trung ở 10 huyện miền núi phía Tây của tỉnh, có địa hình đồi núi cao, chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Các huyện này có gần 50 vạn đồng bào các dân tộc ít người như Thái, H’Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu, Đan Lai... sinh sống. Trong khi đó, đại bộ phận dân cư có tập quán phát nương làm rẫy, sống dựa vào rừng, đời sống còn nhiều khó khăn.

Hộ gia đình ở huyện Tân Kỳ chăm sóc rừng trồng
Hộ gia đình ở huyện Tân Kỳ chăm sóc rừng trồng

Những năm gần đây, do sự thay đổi trong chủ trương quản lý của Nhà nước và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chương trình, dự án nên việc phát nương làm rẫy đã giảm mạnh. Mỗi năm, diện tích nương rẫy giảm từ 100 - 200 ha và hiện tập trung ở các huyện vùng cao giáp biên giới Việt - Lào như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong (với khoảng 50.000 ha).

Sự chuyển đổi cơ cấu ngành từ khai thác vốn rừng không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành kinh tế nông - lâm nghiệp mà còn tác động đến tỉ lệ che phủ rừng, vấn đề môi trường sinh thái...

Hiện tại, diện tích rừng trồng tập trung 9 tháng ước đạt 13.515 ha, đạt 90% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2014; tập trung bảo vệ tốt 906.850 ha diện tích rừng hiện có. Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, phòng trừ sâu bệnh tiếp tục được đẩy mạnh. Diện tích rừng chăm sóc ước đạt 27.500 ha, bao gồm: 26.003 ha rừng sản xuất, 1.496,9 ha rừng phòng hộ. Tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 409.736 m3, tăng 10,07% so với cùng kỳ năm 2014.

Sản lượng gỗ khai thác tăng chủ yếu là từ rừng trồng của các dự án đã đến thời điểm cho khai thác để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến như ván ép, dăm gỗ, nguyên liệu giấy, ngoài ra còn để phục vụ nhu cầu xây dựng. Một số loại tre, trúc, giang, luồng, nứa hàng, song mây… thu hoạch đều tăng so với cùng kỳ năm 2014 do phục vụ nhu cầu chế biến công nghiệp và đời sống người dân.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được chú trọng. Trong những tháng đầu năm, nhiều đợt nắng nóng liên tục kéo dài với nền nhiệt cao (39 - 410C), gió Tây Nam hoạt động mạnh, cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan, đơn vị liên quan nhưng vẫn xảy ra 24 vụ cháy rừng. Diện tích rừng bị cháy là 66,97 ha, chủ yếu là rừng trồng sản xuất tại các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳ Châu và Hưng Nguyên.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống cháy rừng như phát dọn thực bì, tổ chức trực canh liên tục, tăng cường trang bị phương tiện chữa cháy rừng..; qua đó góp phần hạn chế sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Châu Yên

Các tin khác