Kinh tế xã hội

Tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

09:45, 08/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)- Kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt các hợp tác xã là kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới. Các hợp tác xã (HTX) đang được đổi mới, hoạt động theo đúng bản chất, nguyên tắc của KTTT góp phần nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển KTTT còn gặp không ít khó khăn cần được tháo gỡ.

Các kinh tế tập thể cần rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.
Các kinh tế tập thể cần rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.

Theo số liệu thống kê từ Liên minh HTX tỉnh, đến nay, Nghệ An có gần 3.000 tổ hợp tác với 55.000 thành viên. Các tổ hợp tác mới được thành lập hoạt động đa dạng, chủ yếu trong các lĩnh vực như: tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ nghề cá và thủy sản.

Cùng với tổ hợp tác thì trong 6 tháng đầu năm 2015, có thêm 12 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 639 đơn vị (trong đó có 457 HTX nông nghiệp, 127 HTX phi nông nghiệp, 55 quỹ tín dụng nhân dân).

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của các HTX ước đạt 250.815 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt gần 2,7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX đã mạnh dạn mở rộng quy mô hoạt động lĩnh vực kinh doanh và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như HTX Nghi Lâm, HTX nông nghiệp Nghi Liên…

KTTT đã phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đã có nhiều cải cách, đổi mới, góp phần tạo nên sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ của HTX chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu được đào tạo thông qua các lớp tập huấn do Liên minh HTX tổ chức. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cán bộ là 2.877 người (trong đó chưa qua đào tạo chiếm 18,6%, trình độ sơ cấp là 28%, trung cấp chiếm 37%, cao đẳng 7,5% và đại học là 8,5%).

Trong quá trình triển khai, thực hiện một số chính sách còn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt là chính sách đất đai, nhiều HTX chưa có đất làm trụ sở, nhà kho.

Đa số các HTX hoạt động có quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn vay khác từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp cũng như chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi và cụ thể. Trong khi đó, theo Nghị định 55 của Chính phủ, mỗi HTX có thể vay vốn mà không cần thế chấp từ 500 triệu - 2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề triển khai thực hiện còn chậm và trên thực tế, đến nay các HTX vẫn chưa được thụ hưởng nguồn vốn vay này. Nhiều HTX nông nghiệp triển khai chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vẫn còn lúng túng. Đến nay, sau 3 năm thực hiện nhưng HTX nông nghiệp mới chuyển đổi được 0,32%.

Ông Trần Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, các HTX đã có nhiều cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, cái khó là quỹ đất các HTX đang sở hữu quá nhỏ và không có nguồn vốn để mở rộng quy mô. Mới chỉ có 51,4% HTX nông nghiệp có đất làm trụ sở, 9,6% được cấp đất làm nhà kho; HTX phi nông nghiệp cũng mới chỉ có 8,4% được thuê đất làm cơ sở sản xuất kinh doanh, 22,3% đất làm trụ sở…”.

Để KTTT ngày càng phát triển, theo ông Chương thì trước mắt cần phải khắc phục những khó khăn trên. Trong thời gian tới, ban Liên minh HTX sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra, đánh giá việc triển khai Luật HTX năm 2012, các chủ trương của Chính phủ, tỉnh về phát triển KTTT.

Tham mưu Ban chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành thực hiện công tác chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đúng tiến độ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho từng HTX. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các HTX.

Đặng Duyên

Các tin khác