Kinh tế xã hội

Gia nhập TPP: Cơ hội nhiều, thách thức không ít

14:01, 14/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 5/10/2015 được xem là bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam trong thế kỷ 21, khi Hội nghị nhóm họp 12 Bộ trưởng Thương mại các nước kết thúc đàm phán TPP.  Đây được xem là tín hiệu tích cực trong cạnh tranh thương mại tự do cũng như tạo hành lang pháp lý để hàng hóa các nước xóa bỏ hoặc miễn giảm các thuế quan và phi thuế quan cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để giữ vững và phát huy tiềm năng, lợi thế của mình khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) gồm 12 Bộ trưởng Thương mại các nước: Canada, Chi-lê, Nhật Bản, Malaysia, Mê-hi-cô, Australia, Bru-nây, Niu Di-lân, Pê-ru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo đó, sau khi kết thúc các vòng đàm phán, TPP đã thông qua 30 chương điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan. Nhiều nội dung như: Vệ sinh kiểm dịch động, thực vật, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, đầu tư, dịch vụ, thương mại điện tử… đã được thông qua và chuẩn bị ký kết chính thức, tạo hành lang pháp lý để các nước thống nhất và thực thi từ năm 2016. Việt Nam cũng đang đưa ra lộ trình, sẵn sàng cho việc thực hiện các điều khoản mà TPP sau khi đã có quan điểm thống nhất chung.

Gia nhập TPP đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất
Gia nhập TPP đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất

Điểm nổi bật trong Hiệp định TPP là hàng hóa các nước thành viên sẽ có cơ hội hội nhập sâu. Nhiều mặt hàng sẽ áp giá xuất, nhập khẩu bằng 0%, đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chính sách hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn này.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu gia nhập sâu và toàn diện trong khối TPP, dự kiến đến năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm trên 23 tỉ USD và con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Nhiều thị trường lớn, có tiềm năng mà thời gian qua Việt Nam đang hướng tới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada…sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng nông sản bằng 0%, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh về chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các mặt hàng khác đòi hỏi khá nghiêm ngặt, đặc biệt là ngành chăn nuôi. Qua đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xét về góc độ thực tế, sản phẩm từ ngành chăn nuôi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và nhà nhập khẩu. Bởi vì, khi gia nhập thị trường chung, ngoài việc áp mức thuế xuất khẩu một số mặt hàng 0% thì chất lượng sản phẩm, giá thành cũng sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với Việt Nam.

Trong khi đó, thực trạng ngành chăn nuôi của nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về chất lượng con giống, sản phẩm và giá thành còn quá cao so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, khi gia nhập TPP, sản phẩm chất lượng cao sẽ chiếm ưu thế để xâm nhập vào thị trường hơn 800 triệu dân này. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải có lộ trình tái cơ cấu bộ máy sản xuất cũng như đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Ngoài ra, việc giảm chi phí trong giá thành sản phẩm là điều cần làm.

Nếu các doanh nghiệp nội địa không đáp ứng được những điều kiện nói trên, nguy cơ tụt hậu, thậm chí phá sản là điều tất yếu. Hiệp định TPP mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức, không chỉ để tạo đà “bơi chung” mà phải giữ vững thương hiệu trên thị trường các nước có nền kinh tế phát triển từ trước.

Xung quanh vấn đề sau khi gia nhập TPP, qua khảo sát về quan điểm cũng như lộ trình kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp tại Nghệ An, các doanh nghiệp đều cho rằng, đây là quy luật tự nhiên, tất yếu sẽ xảy ra trong quá trình hội nhập và phát triển về thị trường hiện nay.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào việc mở rộng thị phần, nguồn nguyên liệu cung ứng sẽ rất lớn nhưng thách thức về quy trình đảm bảo chất lượng kỹ thuật, an toàn về sản phẩm, cân đối giá thành sản phẩm sẽ đặt ra nhiều “bài toán” kinh tế cần phải có lời giải phù hợp.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất các sản phẩm công - nông - ngư nghiệp, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước đang được quan tâm. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/07/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã mở ra cho địa phương nhiều hướng phát triển mới, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh khá của miền Bắc và là trung tâm tài chính, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, công nghệ cao… của vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai. Vì vậy, việc hội nhập vào thị trường chung là điều cần thiết. Thế nhưng, điều mà các doanh nghiệp phải nhận thức rõ là nếu không nâng cao năng lực toàn diện thì sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tương lai.

Ngọc Thái

Các tin khác