Kinh tế xã hội
Giải quyết bài toán 'hậu' tái định cư ở các công trình thủy điện
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, cuộc sống của người dân tái định cư ở các công trình thủy điện đã có nhiều đổi thay, một phần là nhờ sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà ở, đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt... Song, để họ từng bước ổn định và phát triển cuộc sống thì vẫn đang là “bài toán” khó.
Thực hiện chủ trương xây dựng Công trình thủy điện Hủa Na, có hơn 1.360 hộ dân ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, huyện Quế Phong phải rời nơi ở của mình để đến 13 điểm tái định cư nội vùng và xã Tiền Phong, nhường đất phục vụ việc đầu tư xây dựng công trình. Nhưng đến nay, cuộc sống của nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn, vất vả. Bởi thực tế sau gần 5 năm chuyển tới khu tái định cư và khi nhà máy đi vào hoạt động, cuộc sống của họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ gạo của dự án. Để cải thiện cuộc sống, họ phải khai thác lâm sản phụ như nứa, lùng, đánh bắt cá trên các hồ chứa.
Cuộc sống của người dân tại các khu tái định cư đã đổi thay, song còn nhiều khó khăn |
Ông Lương Văn Hùng, Bí thư chi bộ bản tái định cư Piêng Cu, xã Tiền Phong cho biết: “Hưởng ứng chủ trương của cấp trên, chúng tôi đều đồng tình nhường nơi ở để về sinh sống với người dân nơi đây. Tuy nhiên, hiện tại, không chỉ bà con ở bản tôi mà hầu hết các bản khác vẫn phải loay hoay chưa biết làm gì để ổn định cuộc sống, khi đất ở không còn, đến nơi ở mới lại không có đất sản xuất. Bà con, nhất là thanh niên trong bản không có việc gì làm nên cuộc sống rất khó khăn”.
Theo đại diện Công ty CP Thủy điện Hủa Na, hiện tại, nguồn vốn đầu tư được phê duyệt còn chậm, ảnh hưởng đến việc đền bù đất cho các hộ khó khăn. Công ty đã chi trả các khoản liên quan đến tái định cư lên đến gần 1.200 tỉ đồng, vượt quá tổng mức đầu tư đã được phê duyệt và hiện vẫn đang thiếu gần 50 tỉ đồng để bồi thường cho các hộ dân. Để người dân tái định cư ổn định sản xuất thì từ nay đến hết năm 2015, cần ít nhất 100 tỉ đồng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng.
Qua tìm hiểu được biết, trong số 13 điểm tái định cư trong vùng, vẫn còn 7 điểm tái định cư chưa hoàn thành giao đất lâm nghiệp cho người dân và chỉ có 8 điểm tái định cư được bàn giao tạm thời ranh giới quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, chứ chưa giao đất chi tiết. Điều đó đồng nghĩa với việc họ cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, người dân không yên tâm sản xuất.
Không chỉ tại Thủy điện Hủa Na, hiện nay, trên công trình thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, công tác tái định cư, bồi thường cho người dân đến tái định cư tại huyện Thanh Chương cũng gặp nhiều bất cập. Bởi còn không ít hộ chưa được nhận tiền hỗ trợ ban đầu mà nguyên nhân là do công tác quản lý nhân hộ khẩu, sai sót về tên, tuổi. Ngoài ra, còn một số hộ chưa được cấp đủ đất theo như quy định và thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm.
Đáng chú ý hơn là các hộ dân tại khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ lại quay về nơi sinh sống trước đây vì những khó khăn, bất cập về điều kiện kinh tế và phong tục tập quán. Theo báo cáo, hiện có 44 hộ dân ở bản Kim Hồng đã quay trở lại nơi ở cũ ở huyện Tương Dương và 26 hộ ở bản Chà Coong chưa tới khu tái định cư để nhận đất, nhận nhà sinh sống. Đó là chưa nói đến những sự việc phát sinh khi thủy điện tích nước, gây ảnh hưởng tới đời sống người dân ở các bản Xốp Cháo, Phia Òi, Piêng Luống dù trước đó không nằm trong quy hoạch dự án cũng như quy hoạch tái định cư.
Ngày 6/10, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các bên liên quan về những vấn đề về công tác hậu tái định cư trên các công trình thủy điện Hủa Na, Bản Vẽ. Đồng chí Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện nằm trong dự án tập trung tháo gỡ những bất cập về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như các vấn đề khác phát sinh trong quá trình thực hiện. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh cũng như các ngành liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân.
Xuân Thống