Khoa học - Công Nghệ
Nga và châu Âu tính chuyện định cư trên Mặt trăng
Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) và Nga (Roscosmo) muốn cùng nhau hợp tác trong sứ mạng Luna 27 nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng, xây dựng căn cứ trên đó và tập trung khám phá hố va chạm Aitken ở cực Nam - một khu vực chưa từng được khám phá và mệnh danh là “vùng tối của Mặt Trăng”.
Cụ thể, sứ mạng Luna 27 sẽ khởi động bằng việc đưa robot tự hành lên đó trước. Sau đó, con người sẽ được đưa lên tiếp theo và cuối cùng là xây dựng căn cứ vĩnh viễn trên Mặt Trăng. Hiện tại, ESA đã hợp tác cùng với hãng thiết kế Foster and Partners để dựng nên nguyên mẫu căn cứ trên Mặt Trăng và dự kiến, nó sẽ được xây dựng chủ yếu bằng công nghệ in 3D.
Ảnh render ý tưởng xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng
Phần quan trọng trong sứ mạng Luna 27 là tập trung khám phá, nhgiene cứu khả năng tồn tại băng tuyết ở cực Nam của Mặt Trăng - khu vực được cho là có môi trường cực lạnh, đen tối và được mệnh danh là “Vùng tối của Mặt Trăng”. Mặt khác, nếu may mắn tìm được nguồn tài nguyên trên đó thì nó sẽ được dùng để sản xuất nhiên liệu tên lửa hoặc một hệ thống hỗ trợ sự sống trên Mặt Trăng. Khi đó, Mặt Trăng sẽ trở thành cửa ngõ của Trái Đất, một điểm trung chuyển và hỗ trợ các sứ mạng khác xa hơn.
Mô hình căn cứ Mặt Trăng
Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu cho biết cần phải có một hệ thống camera và dẫn đường laser công nghệ mới để xác định điểm hạ cánh tốt hơn thuộc các vùng đất chưa được khám phá. Giáo sư Igor Mitrofanov thuộc Viện nghiên cứu không gian Moscow, Nga, 1 trong những người dẫn đầu dự án cho biết: “Chúng ta phải đi tới Mặt Trăng. Thế kỷ 21 sẽ là thể kỷ xây dựng những tiền đồn vĩnh viễn của nền văn minh nhân loại và đất nước chúng tôi cũng muốn tham gia vào quá trình này."
Dự án dự kiến sẽ bước vào giai đoạn lên kế hoạch trong vài năm tới bắt đầu từ năm nay nhưng có vẻ như hiện tại thì nó vẫn chưa thể thật sự khởi động. Tờ BBC nhận định rằng ESA sẽ chính thức tham gia sứ mạng Mặt Trăng trong vòng 5 năm tới và hiện họ đang chuẩn bị xin phê duyệt vào cuối năm 2016.
TH