(Congannghean.vn)-Thời gian qua, một loạt thay đổi trong cơ chế chính sách và các yếu tố thị trường đã tác động không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp, từ tăng tỉ giá USD đến cước phí vận tải, rồi tiền điện, tăng lương tối thiểu... Tất cả những yếu tố đầu vào trong sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đổi mới và tìm giải pháp, hướng đi thích hợp để phát triển, nếu không muốn bị đào thải trong quá trình cạnh tranh. Nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, khi các doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm ngoại nhập được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại vừa ký kết.
Ngày 19/8, sau khi đồng nhân dân tệ phá giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng VND với USD lên 1%, biên độ tỉ giá được nới lên 3%. Khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng lên do giá rẻ hơn. Phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp cần tìm hướng phát triển hợp lý khi chi phí đầu vào tăng |
Việc điều chỉnh tỉ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu nhiều tác động. Cụ thể, những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu ngoại nhập như dược, nhựa, săm lốp, thép... chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một số lĩnh vực như vận tải biển, xi măng do dư nợ lớn nên việc biến động tỉ giá có thể khiến doanh nghiệp giảm doanh thu tài chính do chênh lệch tỉ giá. Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng vừa mới manh nha phục hồi, nay nguồn nguyên liệu đầu vào không ngừng tăng khiến nhiều doanh nghiệp cũng lúng túng và chưa dám mạnh dạn tiếp tục đầu tư. Riêng đối với các hoạt động cho thuê bất động sản, tỉ giá đôla tăng cũng khiến các giao dịch dùng ngoại tệ để tham chiếu giá trị hợp đồng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong khi đó, kể từ ngày 16/3/2015, cách tính tiền điện theo biểu giá mới của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã khiến doanh nghiệp không khỏi lo lắng. Theo đại diện từ phía Bộ Công thương, việc tăng 7,5% giá điện không tác động nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; mức tăng cũng chỉ tác động đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp từ 0,2 - 0,8%. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, không thể chỉ tính đến yếu tố tác động nội tại hoạt động sử dụng điện và sản xuất của từng doanh nghiệp mà phải cộng thêm mức chi phí tăng của hàng loạt nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất.
Mặt hàng dệt may tuy không chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động tỉ giá nhưng những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu cho hoạt động sản xuất may như dệt, nhuộm, sợi… đang sử dụng năng lượng điện nhiều. Việc tăng giá điện khiến chi phí sản xuất tăng, kéo theo sản phẩm cuối cùng cũng sẽ tăng. Trong khi đó, sức mua trên thị trường hiện đang giảm mạnh nên doanh nghiệp sẽ phải chịu những tác động kép nhất định. Sau tỉ giá, tiền điện là câu chuyện về giá cước vận tải. Trong thời gian vừa qua, giá xăng liên tục giảm, theo đó, giá cước vận tải cũng đã có những dấu hiệu “giảm nhiệt” theo. Tuy nhiên, việc giảm giá chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp.
Điều đáng nói, trong khi chi phí đầu vào phục vụ sản xuất tăng, nhất là do giá nguồn nguyên liệu nhập thì doanh nghiệp nội lại không thể tăng giá do sức mua từ thị trường yếu. Trong khi đó, trên thị trường, ngoài hàng Việt Nam, người dân còn có nhiều sự lựa chọn khác, với giá thành thấp hơn nhiều lần. Trước đây, khi đồng nhân dân tệ chưa điều chỉnh, doanh nghiệp Việt Nam đã phải rất chật vật để cạnh tranh với hàng Trung Quốc, do nước này có nguồn nguyên liệu tại chỗ nên được lợi thế về giá. Nay, lại thêm việc đồng nhân dân tệ giảm giá càng tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc xuất khẩu và cạnh tranh với nhiều sản phẩm từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Tỉnh ta hiện có khoảng 7.900 doanh nghiệp, trong đó, phần đa là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các doanh nghiệp lớn có nguồn vốn ổn định, tuy chịu tác động từ nhiều yếu tố nhưng vẫn có thể xoay chuyển. Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó khăn lại nhân lên gấp bội. Nhất là khi các hiệp định thương mại được ký kết, sản phẩm của các nước khác có khả năng cạnh tranh, chiếm ưu thế hơn so với sản phẩm nội địa.
Điều này đặt ra yêu cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự đổi mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mới có thể tồn tại và giữ vững, khẳng định thương hiệu của mình. “Bài toán” chuyển đổi và chú trọng chất lượng, hiệu quả lao động không phải đơn giản nhưng buộc mỗi đơn vị phải tìm ra con đường phù hợp. Trong lần tự đổi mới mình này, doanh nghiệp rất cần sự hợp tác, phối hợp của các đơn vị liên quan, nhất là người lao động.