(Congannghean.vn)-Dây diện rối rắm, vắt qua ngọn cây hoặc chui luồn qua bờ rào nhà dân. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được về đường dây điện hạ áp nông thôn tại xóm 9, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Người dân ở đây cho biết, thực trạng này tồn tại đã nhiều năm nhưng chưa được ngành điện lực khắc phục, khiến họ không khỏi lo lắng, bất an.
Theo thông tin phản ánh của người dân, mặc dù xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn đã hoàn thành việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Điện lực Anh Sơn quản lý và khai thác nhưng đến nay, nhiều hộ dân đang sinh sống tại xóm 9, xã Thọ Sơn vẫn đang nơm nớp lo sợ vì sự mất an toàn do đường dây điện hạ áp chưa được cải tạo, thay thế…
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Theo ghi nhận của chúng tôi, đường dây điện “xương cá” hiện đã kéo về tận xóm 9, xã Thọ Sơn, nhưng chỉ những hộ nào sinh sống gần đường dây này đi qua thì mới được hưởng lợi, còn những hộ khác ở xa lại phải chịu thiệt thòi. Người dân phải tự mua dây, dựng cột để kéo điện về sử dụng, phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, trong khi đó, ngành điện lực chỉ có nhiệm vụ lắp đồng hồ đo điện lên cột để quản lý.
Chị Lang Thị Hiên (SN 1976) trú tại xóm 9, xã Thọ Sơn cho hay: “Từ năm 2006, gia đình tôi bắt đầu kéo điện về dùng. Thời điểm đó, người dân ở đây đều phải tự mua dây, dựng cột rồi kéo điện về. Mỗi gia đình phải nộp 2,2 triệu đồng để được kéo điện về tận nhà nhưng đến nay, vẫn là đường dây cũ, cột điện thô sơ, không được cải tạo, thay thế”.
Chỉ tay về phía những đoạn dây điện chằng chịt xuyên qua ngọn cây trước nhà mình, chị Hiên cho biết, đây là đường dây điện kéo về nhà anh chồng tôi, vì không có cột điện kiên cố nên hệ thống dây mới trở nên rối rắm như vậy.
Đường dây điện luồn qua bụi cây không đảm bảo an toàn |
“Nguồn điện tại đây không ổn định, cứ bị chập và hư hỏng suốt. Gia đình tôi phải thường xuyên nhờ thợ điện đến sửa. Không biết đến khi nào họ mới kéo dây, thay cột điện mới cho chúng tôi!”, chị Hiên than thở. Còn anh Trương Công Luân (SN 1972) trú tại xóm 9, xã Thọ Sơn cho biết: Hiện cả xóm đang có trên 10 hộ phải sử dụng đường dây điện do người dân tự đóng góp xây dựng và tự kéo điện về dùng cách đây gần 10 năm.
Anh Luân cho biết thêm: “Khoảng cách từ nhà tôi ra đến đường dây điện “xương cá” là gần 500 m. Ban đầu, tôi mua dây điện rồi chôn cọc để kéo điện về dùng, sau đó có mấy nhà hàng xóm xin dùng chung đường dây này nên điện ngày càng yếu. Bây giờ điện chập chờn lắm, nếu nhà hàng xóm bơm nước thì bóng đèn chỉ đỏ như hòn than thôi! Đặc biệt, những hôm trời mưa gió, chúng tôi rất sợ đường dây bị đứt, cọc điện đổ nhưng cũng không biết làm thế nào. Chỉ mong ngành điện sớm cải tạo, thay mới đường dây điện để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, nhiều hộ dân ở xóm 9, xã Thọ Sơn đang sử dụng điện từ đường dây điện hạ áp rất thủ công, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi, những đường dây điện này là do người dân tự kéo đã lâu nên không đảm bảo an toàn. Cột điện là những thân cây khô, gỗ tạp đã khô mục. Thế nhưng, lâu nay, ngành điện vẫn gắn đồng hồ trên những cột điện tạm bợ này mà không có động thái nào khác.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn cho biết: “Thực tế các hộ dân ở xóm 9 sử dụng điện không đảm bảo an toàn như thế nào thì tôi chưa nắm được. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại sự việc”.
Còn ông Ngũ Văn Chương, Giám đốc Điện lực Anh Sơn cho biết: “Việc một số hộ dân ở xã Thọ Sơn tự bỏ tiền ra kéo điện về nhà để sử dụng là đúng như phản ánh. Ngay sau khi tiếp nhận, bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, chúng tôi cũng biết về thực trạng này nhưng do nguồn kinh phí cấp cho điện lực để cải tạo mạng lưới dây điện này còn hạn chế nên hiện tại, Điện lực huyện đang tiếp tục xin kinh phí để tiến hành gia cố đường dây điện cho người dân xóm 9, xã Thọ Sơn.
Thực tế, tất cả các xã trên địa bàn huyện Anh Sơn đều có chung yêu cầu cần cải tạo mạng lưới điện áp nông thôn chứ không chỉ riêng xã Thọ Sơn. Mặc dù, hàng năm, chúng tôi đã kéo thêm 10.000 m đường dây điện mới nhưng vẫn chưa thể thay thế hết những đường dây tạm bợ. Đây cũng là khó khăn chung của ngành điện lực sau khi tiếp nhận, bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn”.