Một số hãng tin ngoài dẫn đăng ý kiến của các chuyên gia nhìn nhận tích cực về động thái của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng biên độ tỉ giá USD/VND.
Ngày 11/8, Trung Quốc điều chỉnh đồng nhân dân tệ giảm 1,9%, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Sáng 12/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, áp dụng từ ngày 12/8/2015. Như vậy, với bước đi này của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá USD/VND sẽ được quyết định bởi thị trường, dựa trên cung cầu thực tế.
“Việc nới biên độ tỉ giá USD/VND giúp Chính phủ điều chỉnh tỉ giá cho phù hợp với tình hình kinh tế thế giới”, ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích cấp cao của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trao đổi với hãng tin Reuters. Động thái điều chỉnh này là dễ hiểu và nên được nhìn nhận như một dấu hiệu tích cực bởi sẽ thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Trao đổi với hãng tin Bloomberg, ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty quản lý Quỹ VinaCapital Group, đánh giá đây là một hành động chính sách rất kịp thời, sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu, hiện chịu áp lực lớn từ các thị trường Mỹ và EU.
Trao đổi với tờ Wall Street Journal, ông Stephen Innes, nhà giao dịch ngoại hối cấp cao thị trường châu Á của Oanda, nhận định, động thái của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là “một cơ chế phòng vệ để không bị ngợp trước sự mất giá của đồng nhân dân tệ”.
Nhiều chuyên gia, khi trao đổi với báo chí Việt Nam, cũng cho rằng quyết định tăng biên độ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý.
TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là quyết định kịp thời để đáp lại việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Theo ông Doanh, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh để phù hợp với biến động của tỉ giá trên thế giới.
Một chuyên gia khác, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá động thái của Ngân hàng Nhà nước mới đây là quyết định hợp lý, tạo biên độ "mềm", để đảm bảo cạnh tranh và đảm bảo không bị nhập siêu hơn nữa.