(Congannghean.vn)-Chỉ số công tơ tăng đột ngột, vượt trần chuyển sang khung tính thang giá phải trả tiền cao hơn… Đó là những gì mà người dân đã phản ánh trong thời gian qua khi phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi, thậm chí gấp ba để thanh toán hóa đơn tiền điện trong tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, những lý giải về việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến của ngành điện lại chưa thực sự thuyết phục người dân.
“Sốc” với hóa đơn tiền điện
Tháng 3/2015, EVN chính thức thông báo giá điện bán lẻ tăng thêm 7,5%, điều này khiến cho nỗi lo gánh nặng về tài chính đè nặng lên không ít gia đình, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Chỉ sau hơn 1 tháng áp dụng giá điện mới của EVN, nhiều doanh nghiệp “kêu trời” vì thua lỗ do phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để trả cho việc tiêu thụ điện năng. Việc sử dụng một cách dè chừng, lên kế hoạch thay đổi cách tiêu thụ điện năng là những biện pháp được áp dụng để giảm bớt tiền điện hàng tháng. Thế nhưng, theo phản ánh, mặc dù đã rất tiết kiệm trong sử dụng điện nhưng khi nhận được hóa đơn tiền điện của tháng 5, hầu hết người dân đều “sốc”.
Chị Thái Thị Mai, nhân viên thu ngân của nhà hàng Hàn Quốc trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh không khỏi bàng hoàng với hóa đơn 5.231.600 đồng khi lên Công ty Điện lực TP Vinh thanh toán tiền điện của tháng 5. “Từ khi mở nhà hàng tới nay, chưa có tháng nào chúng tôi phải chi trả tiền điện cao như tháng này. Trong khi tháng vừa qua, lượng sử dụng điện năng của nhà hàng cũng tương đương với tháng trước, thậm chí có thể ít hơn. Vậy mà số tiền điện phải trả lại tăng lên gần gấp đôi”.
Một người dân ở phường Đội Cung, TP Vinh tá hỏa khi cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng 5 vừa qua |
Đây cũng là phản ánh chung của nhiều người dân khi chúng tôi tiến hành khảo sát về hóa đơn tiền điện trên địa bàn TP Vinh trong những ngày vừa qua. Còn tại các địa phương khác trong tỉnh, mặc dù nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu hao lượng điện năng lớn như điều hòa, tủ lạnh không lớn… nhưng ở vùng nông thôn, nhiều hộ gia đình cũng phải “méo mặt” vì số tiền điện phải thanh toán cho EVN trong tháng 5 vừa qua lại tăng đột ngột.
Tăng do “lũy tiến”, chỉ số ghi công tơ điện nhảy vọt
Theo thống kê của Phòng kinh doanh, Công ty Điện lực Nghệ An, chỉ tính riêng tháng 5/2015, tổng sản lượng tiêu thụ điện năng trên địa bàn toàn tỉnh là 217 triệu kWh. Lý giải về việc hóa đơn tiền điện trong tháng 5 vừa qua tăng đột biến, đại diện EVN cho rằng, là do việc tính khung giá điện theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Chính phủ. Nghĩa là, cách chia giá tính tiền điện tăng dần theo các bậc khác nhau như sau: Từ 0 - 50 kWh chỉ bằng 92% mức giá bán lẻ bình quân, từ 51 - 100 kWh bằng 95%, từ 101 - 200 kWh bằng 110%, từ 201 - 300 kWh bằng 138%, từ 301 - 400 kWh bằng 154%, trên 401 kWh bằng 159%. Chính vì vậy, nếu “lũy tiến” của chỉ số công tơ ghi lượng tiêu thụ điện năng tăng thì hóa đơn tiền điện sẽ tăng theo các khung áp giá trần tăng dần. Điều này cho thấy, nếu “lũy tiến” tăng thì sản lượng điện tiêu thụ trong tháng cũng tăng.
Ông Nguyễn Văn Ánh, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Điện lực Nghệ An thừa nhận: Việc hóa đơn tiền điện sinh hoạt tăng cao trong tháng 5 vừa qua là có thật. Trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố, các thị trấn, thị xã, còn ở các vùng miền núi, nông thôn thì lượng điện năng tiêu thụ không cao hơn là bao. Do thời điểm trong tháng 5, đầu tháng 6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều đợt nắng nóng, đỉnh điểm là từ ngày 28 - 30/5, nhiệt độ lên tới 39 - 400C nên nhiều hộ gia đình sử dụng điều hòa, tủ lạnh… liên tục trong thời gian dài.
Cộng với cuối tháng 5 là thời gian học sinh nghỉ hè, tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí nên lượng điện năng tiêu thụ tăng nhanh là điều dễ hiểu. Lúc đầu, Công ty đưa ra dự kiến lượng điện năng tiêu thụ là 7 triệu kWh/ngày nhưng sau đó, sản lượng điện tiêu thụ đã tăng lên 8 triệu kWh/ngày. Mặt khác, giá điện sinh hoạt được tính theo đơn vị bậc thang nên nếu khách hàng tiêu thụ lượng điện năng càng nhiều thì tiền điện phải trả sẽ càng lớn, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng.
Để giảm bớt gánh nặng về chi phí vì hóa đơn tiền điện tăng, theo các chuyên gia kinh tế, việc khuyến khích người dân tách hộ khẩu gia đình theo quy định nhằm hưởng lợi chính sách của Nhà nước cũng cần được quan tâm thực hiện. Mặt khác, khi nhân viên EVN tiến hành ghi chỉ số công tơ điện hàng tháng, cũng cần được giám sát và thông báo công khai, minh bạch, tránh ghi nhầm hoặc ghi chồng chỉ số chênh lệch giữa tháng trước và tháng sau. Vì nếu ghi sai chỉ số công tơ điện thì việc hóa đơn tiền điện tăng do “lũy tiến” là điều khó tránh khỏi.
.