(Congannghean.vn)-Thực hiện Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010”, từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công vùng ven đô thị trước năm 2005 và ở các vùng khác trước năm 2010, tại Nghệ An, những năm qua, các ngành, cấp đã vào cuộc quyết liệt.
Theo đó, đã từng bước tháo gỡ các vướng mắc, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng bước xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều địa phương đã hoàn thành việc xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn.
Trước đây, huyện Nam Đàn là một trong số các địa phương có số lượng lò gạch thủ công nhiều nhất tỉnh, nhưng đến nay, hơn 40 lò gạch thủ công trên địa bàn đã được xóa bỏ hoàn toàn.
Để làm được điều này, huyện Nam Đàn đã có nhiều biện pháp quyết liệt, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, đôn đốc. Ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Huyện đã tổ chức thống kê rà soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các chủ lò đốt, đồng thời thành lập một tổ liên ngành chuyên đi thực hiện việc dỡ bỏ các lò gạch.
Sau khi các lò gạch thủ công ngừng hoạt động, đã xuất hiện nhiều ao nước bỏ hoang, không có người quản lý |
Do vậy, đến nay, các lò gạch thủ công trên địa bàn đã được xóa bỏ hoàn toàn. Còn ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, TP Vinh cho biết: “Trên địa bàn xã có 7 lò gạch thủ công được xây dựng từ lâu tại các xóm Trung Thành, Trung Mỹ, Mỹ Hậu, Mỹ Long và Mai Lộc.
Những lò gạch này mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, từ khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của UBND tỉnh, UBND TP Vinh, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công và đến nay, các lò gạch thủ công trên địa bàn đã ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, có một thực tế là, sau khi các lò gạch thủ công ngừng hoạt động, đã xuất hiện những ao nước sâu hoắm, trong đó có nhiều ao, hồ bỏ hoang do việc lấy đất làm nguyên liệu của các lò gạch để lại tạo thành những “cái bẫy” chết người.
Mới đây nhất, khoảng 11 giờ ngày 16/5/2015, tại ao nước lò gạch cũ ở xóm Mỹ Hậu, xã Hưng Đông, TP Vinh đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, khiến hai em nhỏ là Phạm Văn Th. (SN 2004) và Nguyễn Văn Hải Q. (SN 2006), cùng trú tại xóm Mỹ Hậu, xã Hưng Đông tử vong. Người thân của hai em cho biết, vì ngày hôm đó được nghỉ học nên hai em rủ nhau đạp xe đến chỗ hồ nước cạnh lò gạch cũ để bắt trai nhưng không may gặp nạn.
Do ao nước quá sâu (trên 2 m) nên phải đến 23 giờ cùng ngày, người dân mới tìm thấy thi thể của hai em. Được biết, hoàn cảnh gia đình hai học sinh này rất khó khăn.
Đây là một vụ đuối nước đau lòng và cũng là bài học cảnh báo cho nhiều bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ con em mình, tránh để các em tiếp cận với những ao nước sâu nguy hiểm. Từ vụ việc này cũng đặt ra một vấn đề đáng quan tâm khác, đó là việc quản lý các lò gạch thủ công sau khi ngừng sản xuất của các cấp chính quyền.
“Sau khi ngừng hoạt động, nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn xã đã bỏ hoang vài năm nay. Trong đó, chúng tôi đã làm thủ tục bàn giao lại cho TP Vinh một số diện tích ao nước để làm bãi đổ phế thải vật liệu xây dựng nhưng đến nay, vẫn chưa hoạt động, số ao còn lại các hộ gia đình đang làm đơn xin cải tạo để làm trang trại chăn nuôi.
Tuy nhiên, về vấn đề này, việc xử lý của UBND thành phố còn chậm, vì vậy, nguyện vọng của các hộ gia đình vẫn chưa được giải quyết, trong khi nhiều diện tích ao lại đang bỏ hoang. Mặt khác, ao, hồ không có người quản lý, trông coi sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em”, ông Nguyễn Xuân Thọ cho biết thêm.
Ông Võ Trọng Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc cho biết: “Toàn xã có 4 lò gạch thủ công tại xóm 4 thì đến nay đã được xóa bỏ hoàn toàn, trong đó một hộ xin cải tạo lại thành trang trại chăn nuôi, một hộ khác cải tạo để làm gạch bloc không nung, còn hai hộ khác đang xin cải tạo thành ao nuôi cá. Thực tế, những lò gạch này đã có từ lâu, nhiều chỗ họ đào sâu xuống lòng đất 5 - 7 m, về mùa hè vẫn có ao sâu đến 3 m nước. Do đó, nếu những ao nước này không có người trông coi, quản lý thì sẽ rất nguy hiểm với trẻ”.
Chị Bùi Thị Quyên trú tại xóm Mỹ Hậu, xã Hưng Đông bày tỏ lo lắng: “Xóm tôi ở có rất nhiều trẻ con, nhà tôi cũng có hai cháu còn nhỏ tuổi, trong khi xung quanh có rất nhiều ao, hồ không có người trông coi, vì vậy chúng tôi rất lo lắng. Lúc nào tôi cũng phải căn dặn các con không được đến chơi gần mấy cái ao đó, nhưng trẻ con thì dặn trước chúng lại quên sau!”.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tại những ao nước bỏ hoang này, người dân còn vứt rác bừa bãi, khiến môi trường bị ô nhiễm.