(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp đã góp phần mang lại năng suất cao, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng các máy móc, công nghệ hiện đại một cách bừa bãi, thiếu khoa học như hiện nay đang khiến một bộ phận nông dân phải đối mặt với những rủi ro trong quá trình lao động.
Tai nạn do bất cẩn, chủ quan, thiếu hiểu biết
Hiện nay, bộ phận lao động dựa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm đại đa số. Nhìn chung, so với thời kỳ trước, điều kiện lao động đã được cải thiện đáng kể; nhiều thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất như máy làm đất, máy gặt lúa liên hoàn, máy tuốt lúa... đều được đưa về tận các vùng quê. Tuy nhiên, hầu hết người nông dân đều mua các loại máy móc nông nghiệp tại các đại lý tư nhân nên không được hướng dẫn cách thức sử dụng.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động từ việc sử dụng máy móc phục vụ nông nghiệp |
Sau khi mua về, người dân tự mày mò, tìm cách vận hành trong khi chưa được bất kỳ một cơ quan chuyên môn nào đứng ra tổ chức các khóa học đào tạo sơ đẳng về quy trình, phương pháp vận hành các loại máy, cùng các chế độ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố để đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng. Chính vì vậy, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, để lại những đau thương, mất mát không đáng có cho gia đình và xã hội.
Ngoài tai nạn do bất cẩn, nhiều người dân còn bị nhiễm độc do chủ quan hoặc thường bỏ qua khuyến cáo của nhà sản xuất, cơ quan chuyên môn khi phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Khi phun, người dân đã trang bị một số tư trang, vật dụng để bảo vệ sức khỏe, nhưng cũng chỉ là hình thức đối phó. Sau khi phun xong, bà con không tiến hành thu gom các chai, lọ thuốc BVTV mà lại vứt ngổn ngang trên bờ ruộng… Điều này không chỉ gây mất an toàn đối với người sử dụng mà còn ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Cần được quan tâm đúng mức
Có thể nhận thấy, nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đã đến mức báo động. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một số liệu thống kê cụ thể nào về số vụ tai nạn xảy ra trong nông nghiệp, nhưng trên thực tế, nó đã xảy ra khá phổ biến và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đa số các hộ dân chủ yếu lao động theo hình thức hộ gia đình, cho nên khi xảy ra các vụ tai nạn, phần lớn người dân không khai báo với cơ quan chức năng. Vì vậy, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức một số lớp tập huấn về sử dụng máy móc trong nông nghiệp cho các hội viên nông dân; đồng thời thường xuyên tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tới đông đảo bà con. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa cao do các hoạt động trên mới chỉ được tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ và phần lớn người dân không quan tâm thực hiện”.
Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ trong nông nghiệp vẫn còn bị bỏ ngỏ, việc thanh, kiểm tra ATVSLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn bị xem nhẹ. Để hạn chế tai nạn lao động trong nông nghiệp, thiết nghĩ, ngoài việc nâng cao nhận thức cho người nông dân, các cơ quan, ban, ngành cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về an toàn lao động trong lĩnh vực này.
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn về cách thức xử lý sự cố trong quá trình sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp và tăng cường công tác thanh, kiểm tra vấn đề ATVSLĐ trong nông nghiệp. Đồng thời, người nông dân cũng cần cẩn thận, không chủ quan trong các hoạt động sản xuất, khi xảy ra tai nạn cần phải trình báo với các cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp khắc phục.
.