(Congannghean.vn)-Tương Dương là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Những năm gầy đây, có nhiều chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh Nghệ An và một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ đầu tư dưới các hình thức khác nhau. Trong đó có dự án “Phát triển cây mây, cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo tại huyện Tương Dương” và “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây, lùng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An” được đồng tài trợ bởi tổ chức Oxfam và SDC, đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã trên địa bàn huyện Tương Dương vượt lên khó khăn, tạo thu nhập một cách bền vững.
Để giúp người dân giữ vững và phát triển nghề mây tre đan truyền thống và trồng cây mây thoát nghèo, ổn định cuộc sống, những năm gần đây, tổ chức Oxfam và SDC, thông qua Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề Nông thôn Việt Nam (gọi tắt là Viri) đã triển khai hiệu quả dự án “Phát triển cây mây, cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo tại huyện Tương Dương”. Dự án đã hướng dẫn bà con từ cách ươm mây, trồng mây, chế biến đến đan lát hàng thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, giúp người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Dự án trồng mây đã góp phần xóa đói giảm nghèo tại huyện Tương Dương |
Từ một hộ dân nghèo, cuộc sống chỉ dựa vào nương rẫy, khi dự án trồng mây về tập huấn, hỗ trợ cho người dân, ông Chu Văn Nghệ trú tại bản Văng Môn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương đã tích cực làm theo hướng dẫn của cán bộ. Ông Nghệ không những trồng thành công 1 ha mây nếp mà còn thành thạo trong việc ươm nhân giống đem bán. Năm 2013, từ việc bán mây đã đem lại cho gia đình ông hơn 80 triệu đồng.
Song song với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cây mây nếp, mây rừng và cách thức khai thác, Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề Nông thôn Việt Nam còn cử cán bộ nghiên cứu khảo sát, đưa nghệ nhân có tay nghề cao về trực tiếp hướng dẫn, nâng cao tay nghề đan lát cho người dân đã biết làm nghề và đào tạo cho những người chưa biết làm nghề. Vì là nghề truyền thống gắn bó với đời sống dân bản, lại có thể làm được trong những lúc nông nhàn, nên khắp mường trên, bản dưới, bà con người Thái và Khơ Mú đều làm nghề này. Người dân bây giờ không chỉ làm ra ghế, mâm bằng mây để dùng trong gia đình mà còn đem bán để tăng thu nhập.
Những lớp học nghề, nâng cao tay nghề không những tạo ra sản phẩm mây tre đan đẹp hơn, mà còn hình thành được những tổ nhóm, quy tụ các lứa tuổi khác nhau cùng làm. Trong 2 năm triển khai dự án của tổ chức Oxfam và SDC thông qua năng lực tiếp cận, điều phối, hướng dẫn của các chuyên gia, cán bộ, dự án đã thành lập được 40 nhóm, với 400 thành viên làm nghề đan lát, trồng mây nguyên liệu. Đáng chú ý là dự án luôn tích cực hỗ trợ kinh phí để quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống của bà con, tham gia các hội chợ lớn tại Hà Nội.
Ông Đào Xuân Mùi, chuyên gia dự án thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngành nghề Nông thôn Việt Nam khẳng định: “Mục tiêu của dự án là nhằm phát triển cây mây nguyên liệu và khuyến khích phát triển nghề mây tre đan vốn có của bà con các dân tộc thiểu số ở huyện Tương Dương. Dự án đã tỏ ra rất thích hợp với người dân vì nghề truyền thống của bà con không những được giữ gìn, phát triển mà còn cải thiện cuộc sống của họ”.
Trong 3 năm tiếp theo, thực hiện chương trình hợp tác giữa Oxfam và tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2018, dự án này sẽ được mở rộng ra một số địa phương khác, với tên gọi: “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây, lùng cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An”. Đây sẽ là cơ hội để đồng bào huyện miền núi Tương Dương nói riêng và khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An nói chung từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu của dự án, góp phần thực hiện thành công đề án của Chính phủ về phát triển KT-XH miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
.