Kinh tế xã hội

Dự án cấp ở 16 xã chưa có điện lưới: Nguy cơ chậm tiến độ

08:29, 21/05/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Mục tiêu "phủ kín" hệ thống điện lưới toàn tỉnh đang là nhiệm vụ lớn của tất cả các cấp, ngành. Có điện, đời sống của người dân ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh sẽ được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, mục tiêu "chạm đích" 100% xã có điện lưới hiện đang là “bài toán” khó.
 
Từ trung tâm thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, chúng tôi tiếp tục hành trình vào xã Thạch Ngàn, một trong những xã vùng sâu cách trở nhất của huyện Con Cuông. Cái vất vả, khó khăn của người dân nơi đây không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn là nỗi khát khao, mong mỏi được sử dụng điện lưới từ lâu nay.  
Vì không có điện lưới, nếu muốn làm nhà,  người dân bản Pá Hả phải thuê máy nổ để xẻ gỗ
Vì không có điện lưới, nếu muốn làm nhà, người dân bản Pá Hả phải thuê máy nổ để xẻ gỗ
Bản Pá Hả là bản xa nhất của xã, tiếp giáp với huyện Quỳ Hợp. Toàn bản có 30 hộ, 120 nhân khẩu, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, người dân vẫn chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt, mọi hoạt động của bản đều phụ thuộc vào tự nhiên. Gia đình có điều kiện thì dùng tua-bin, còn lại hầu hết các gia đình đều phải nhờ tới đèn dầu. 
 
Giữa thời tiết lên tới 38 - 400C trong những ngày này, để giải toả cái nóng, người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài chiếc quạt tay tự tạo. Bà Vi Thị Hương, người dân bản Pá Hả cho biết: “Chúng tôi quen với cuộc sống thế này đã bao nhiêu năm rồi, chỉ thương các cháu nhỏ, kinh tế đã khó khăn, giờ bố mẹ muốn tạo điều kiện cho con cái được học hành nhưng vì không có điện đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học của các cháu”.
 
Qua tìm hiểu được biết, người dân nơi đây chủ yếu làm ruộng và khai thác lâm sản phụ từ rừng. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp chỉ có 6 ha ruộng nước, lâm sản phụ trong rừng đang ngày càng khan hiếm. Hiện toàn bản có 16/30 hộ thuộc diện hộ nghèo. Do đó, “bài toán” sớm có nguồn điện lưới phục vụ sinh hoạt đang là mong mỏi thường trực từ lâu nay. Ông Mạc Văn Tính, Trưởng bản Pá Hả cho biết thêm: “Vì không có điện nên hầu hết người dân đều không thể tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
 
Đồng thời, việc tiếp cận các nguồn thông tin khác cũng gặp nhiều hạn chế. Vất vả nhất là khi cấp trên có văn bản, thông tin muốn truyền đạt cho dân thì những người trong Ban quản lý thôn, bản phải đi bộ đến từng nhà để thông báo, gây mất thời gian và hiệu quả thấp. Cũng do không có điện nên mỗi lần cần tập hợp bà con để hội họp, tôi phải đến từng nhà để thông báo… Chưa kể đến việc, ở đây, nếu người dân thuê thợ làm nhà thì phải thuê cả máy phát điện nên chi phí tăng lên gấp nhiều lần. Một số hộ làm nghề sản xuất, kinh doanh đồ gỗ tại bản cũng gặp khó khăn, khi sản phẩm đến tay người dân thì giá thành cũng bị đội lên”.
 
Theo Công ty Điện lực Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 233 thôn, bản thuộc 16 xã chưa có lưới điện quốc gia, tập trung chủ yếu ở các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và một số xã của huyện Thanh Chương. Mặc dù, dự án cấp điện cho 16 xã chưa có điện lưới đã được Sở Công thương chuyển sang cho ngành điện với tổng số vốn 750 tỉ đồng nhưng đến nay, mới chỉ được cấp 50 tỉ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án, ngành điện sẽ triển khai với số vốn khoảng 250 tỉ đồng vào đầu tháng 6 sắp tới và sẽ đóng điện đến trung tâm các xã vào dịp Quốc khánh 2/9, đến tháng 10 thì sẽ đóng điện hết dự án. Nhưng nhìn chung, đến nay, tiến độ dự án vẫn còn chậm.
 
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Giám đốc Điện lực Nghệ An: Dự án cấp điện cho 16 xã chưa có điện lưới là dự án được chuyển từ Sở Công thương sang cho ngành điện quản lý. Vì dự án được thực hiện ở các địa điểm vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại hết sức khó khăn nên quá trình thi công hết sức phức tạp, nếu thời tiết diễn biến thuận lợi thì có thể đẩy nhanh tiến độ đóng điện để đưa điện lưới quốc gia đến các khu vực còn thiếu.

Xuân Thống

Các tin khác