Kinh tế xã hội
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn dàn trải
10:18, 17/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân đã trang bị cho nhiều hộ nông dân “chiếc cần câu” để tự làm giàu. Nhưng sau 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần sớm khắc phục.
Trong 5 năm qua (2011 - 2014), công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã huy động được 48 cơ sở tham gia dạy nghề cho LĐNT, với 268.313 LĐNT được tham gia học nghề (đạt 84,3% so với chỉ tiêu đề ra trong đề án của tỉnh). Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách đề án là 40.493 người; tỉ lệ LĐNT có việc làm tăng năng suất, tăng thu nhập đạt 74,1%.
Cần nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả để giúp lao động nông thôn tìm được công việc thích hợp |
Ngoài ra, toàn tỉnh đã tổ chức 140 lớp dạy nghề mô hình cho 4.544 người với tỉ lệ có việc làm, thu nhập ổn định đạt trên 80%. Thực tế, kết quả đào tạo nghề cho nông thôn đã góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 30% vào năm 2009 lên 46% năm 2014 và góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp; tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu thực tế cho thấy, việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, thể hiện rõ nhất là trong công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và việc lựa chọn ngành nghề đào tạo. Việc xây dựng kế hoạch, khảo sát dạy nghề cho lao động nông thôn của một số đơn vị, cơ sở dạy nghề còn chưa sát với tình hình thực tế, chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu lao động...
Về đội ngũ giáo viên, tuy có tăng về số lượng, nhưng trình độ chuyên môn vẫn còn nhiều hạn chế. Các cơ sở dạy nghề, nhất là các trung tâm dạy nghề cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu và yếu về kinh nghiệm thực tiễn.
Bà Hồ Thị Châu Loan, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác dạy nghề hiện vẫn còn dàn trải, chồng chéo giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, dẫn đến việc đào tạo ồ ạt. Mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Có các trang thiết bị máy móc phục vụ công tác đào tạo nhưng nhà xưởng để thực hành chưa được đầu tư.
Theo đánh giá của ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, quá trình triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” gặp không ít khó khăn trong công tác đào tạo lao động chất lượng cao, tay nghề vững và có việc làm ổn định. Thực tế hiện nay cho thấy, đào tạo nghề cho LĐNT còn thiếu định hướng, chưa gắn với nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp và quy hoạch sản xuất… Để khắc phục những bất cập trên, cần có những chính sách hỗ trợ, định hướng để phát triển ngành nghề theo điều kiện thực tế của từng địa phương, gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò, mục tiêu của công tác đào tạo nghề. Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh học nghề và giới thiệu việc làm. Theo đó, cần nâng cao nhận thức cho nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện tốt hơn công tác xây dựng kế hoạch, điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Mặc khác, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả.
Ngoài ra, cần tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, thực hiện linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi để LĐNT tham gia học nghề. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động sau khi đào tạo.
Cao Loan