(Congannghean.vn)-Chưa bao giờ các tỉnh Nam Trung Bộ lại chịu đợt nắng nóng kỷ lục như thời gian vừa qua. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh lại vừa trải qua đợt triều cường mạnh. Theo dự báo của các nhà khí tượng thủy văn, năm nay, thời tiết sẽ nắng nóng hơn so với các năm trước. Chủ động đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của các cấp, ngành, nhất là khi vụ hè thu đang cận kề.
Năm ngoái, do nắng nóng liên tục kéo dài nên dù mới đầu vụ hè thu nhưng tại các hồ đập phục vụ nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp đều bị khô cạn, tập trung ở một số huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quỳ Châu, Quế Phong… Ở Hưng Nguyên, các hồ Thạch Tiền, Khe Lốt, xã Hưng Yên Nam; các trạm bơm không có nước để bơm gồm nhiều xã: Hưng Thắng, Hưng Tân, Hưng Tiến… Tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất hè thu năm 2014 cũng xảy ra tương tự ở huyện Nam Đàn, với nguồn nước chỉ còn khoảng 20 - 30%, các hồ đập nhỏ đều cạn, các trạm bơm không có nước để bơm.
Năm nay, tính đến thời điểm đầu tháng 4, trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện rải rác một số diện tích khô hạn. Như ở huyện Nghi Lộc, có 126 ha bị hạn. Theo đó, các hồ có dung tích nhỏ (từ 0,05 - 0,5 triệu m3) hiện không đủ nước để phục vụ tưới tiêu cho các vùng sản xuất. Còn riêng huyện Tân Kỳ, nếu nắng nóng có chiều hướng tăng cao thì sẽ xảy ra hạn hán ở các xã Giai Xuân (40 ha), Tân Hợp (60 ha), Nghĩa Phúc (70 ha).
Cần dự trữ nguồn nước trong hồ, đập khi mùa hạn hán đang cận kề |
Trước tình hình trên, bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Kế hoạch, Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An cho biết: Thông thường hàng năm, đến vụ hè thu là xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số địa phương. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, nền nhiệt độ phổ biến sẽ cao hơn nhiệt độ trung bình năm ngoái. Trong khi đó, lượng mưa sẽ thấp hơn so với giá trị trung bình cùng thời kỳ. Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 8, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông tiếp tục giảm dần. Do đó, mực nước thấp nhất trên các sông tiếp tục xuống thấp hơn nữa và có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ.
Vì thế, các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn. Trước hết, cần triệt để thực hiện biện pháp tiết kiệm nước, khi cần mới mở nước; tính toán cân đối nguồn nước. Đồng thời, duy trì việc nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ điều kiện lấy nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cần tập trung lấy nước vào hệ thống khi các hồ thủy điện xả tăng nguồn nước, tận dụng ao hồ, bàu biền, sông cụt… Trường hợp nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, cần kết hợp biện pháp tưới với các biện pháp khác (tấp ủ, che bóng) để giữ ẩm cho cây trồng cạn như: cam, chè, cà phê…
Ông cha ta đã đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, vì vậy, lập phương án cung cấp nước và chống hạn cụ thể cho từng địa phương, từng hồ đập là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị liên quan. Bởi, đảm bảo đủ nguồn nước chính là điều kiện tiên quyết giúp bà con có vụ mùa bội thu.
.