(Congannghean.vn)-Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư đầu năm mới đã được UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức từ năm 2009, thu hút được sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp mạnh trong nước, mở ra nhiều triển vọng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp với tỉnh Nghệ An. Sau 6 lần tổ chức gặp mặt, kêu gọi các nhà đầu tư, đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế, hợp tác đầu tư, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Nghệ An trong những năm gần đây.
Hiệu quả từ hoạt động xúc tiến đầu tư đầu xuân
Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức liên tục và rộng khắp, bao gồm cả trong và ngoài tỉnh, ngoài nước với nhiều giải pháp, nhiều kênh kêu gọi xúc tiến đầu tư. Cùng với việc môi trường đầu tư được cải thiện, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác, đầu tư tại Nghệ An đã tăng lên rõ rệt và nhất là kể từ khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Kết quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư ngày càng đóng góp một phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Năm 2014, việc Khu kinh tế Đông Nam được mở rộng và quy hoạch chung thành phố Vinh được phê duyệt đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Nghệ An. Tính riêng năm 2014, UBND tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 187 dự án, với 55.663 tỉ đồng vốn đăng ký, vượt 260% về số dự án và 432% về số lượng vốn đăng ký so với năm 2013. Trong đó, cấp mới cho 145 dự án với 43.892 tỉ đồng và điều chỉnh 42 dự án với 11.771 tỉ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng các nhà đầu tư tham quan Nhà máy Namsung Vina tại huyện Diễn Châu - Ảnh: Sỹ Minh |
Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 776 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 733 dự án đầu tư trong nước với 164.937 tỉ đồng và 43 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 1,61 tỉ USD. Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo nhiều việc làm, nộp ngân sách lớn như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH - True milk, Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam, Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An, Nhà máy bao bì Sabeco, Thủy điện Bản Vẽ; Thủy điện Hủa Na, Nhà máy ván nhân tạo MDF, Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao; các nhà máy may và lắp ráp linh kiện điện tử của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhiều dự án khác đang triển khai xây dựng như: Nhà máy sản xuất Tôn, thép của Tập đoàn Hoa Sen; Trung tâm công nghiệp thực phẩm của Tập đoàn MASAN; Nhà máy chế biến cá hộp Royalfood Thái Lan; Quần thể du lịch Lan Châu - Song Ngư, Nhà máy xi măng Sông Lam... và nhiều dự án khác đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư như: Tổ hợp khu công nghiệp, đô thị dịch vụ của Công ty liên doanh đầu tư phát triển Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP6); Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập II; KCN liên hợp Dệt May của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc... Đây là những dự án khi đi vào hoạt động không chỉ tạo thêm nhiều việc làm và tăng nguồn thu ngân sách mà còn có tác dụng thúc đẩy việc thu hút các dự án khác vào đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nỗ lực cải cách hành chính để thu hút đầu tư
Năm 2015, phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực kêu gọi xúc tiến đầu tư của năm 2014 và những năm trước đó, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết số 26/NQ-TW đề ra. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế và thực hiện các mục tiêu, giải pháp thu hút đầu tư vào Nghệ An.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2015, PCI của Nghệ An thuộc nhóm khá của cả nước và đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm số PCI tốt nhất, đến năm 2020 đứng trong top 15 của cả nước; phấn đấu thu hút đầu tư vào tỉnh Nghệ An được ít nhất 100 dự án với số vốn đăng ký đạt từ 19.000 - 20.000 tỉ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 6.000 - 7.500 tỉ đồng. Vốn thực hiện phấn đấu đạt mốc 10.000 tỉ đồng, tạo việc làm mới cho khoảng 10.000 - 12.000 lao động.
Để hoạt động thu hút đầu tư trong năm 2015 và những năm tiếp theo có hiệu quả, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư, trong đó chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính. Bên cạnh đó, tập trung khắc phục những nguyên nhân gây trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Ban hành quy định mới về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư trực tiếp, kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà để đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường thăm và kiểm tra tiến độ dự án Cảng Hàng không Vinh |
Khuyến khích thiết lập đường dây nóng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư phản ánh những trường hợp cán bộ, công chức nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ dự án đầu tư. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi, vận động và hỗ trợ sát sao các đối tác trọng điểm, dự án của các tập đoàn lớn đang trong quá trình xúc tiến đầu tư để hỗ trợ tối đa, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, vướng mắc khó khăn; UBND tỉnh tiếp tục có chính sách vận động thu hút đầu tư các đối tác, nhà đầu tư trọng điểm phù hợp với định hướng thu hút đầu tư đối với các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai và mở rộng các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Nghệ An và các địa phương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Đối với các dự án đầu tư, UBND tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm; kiên quyết thu hồi đất đối với các doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất, nhưng chậm triển khai hoặc vi phạm Luật Ðất đai. Xử lý sau thu hồi dự án nhanh để đưa dự án mới vào đầu tư, hạn chế tình trạng lãng phí đất đai và các sai phạm trong bảo vệ môi trường.
.