(Congannghean.vn)-Huồi Tụ, Mường Lống, Keng Đu là những địa danh nằm ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc huyện Kỳ Sơn. Nơi đây, quanh năm thung lũng mây mù che phủ. Đây cũng từng là thủ phủ của người Mông, được nhắc đến bởi là vùng "rốn" của hoa anh túc, với kỷ lục sản xuất hàng nghìn tấn thuốc phiện mỗi năm. Thế nhưng, đến nay, vùng quê này đang dần đổi khác. Mỗi độ xuân về, bạt ngàn màu trắng của mận tam hoa, màu hồng của đào không hạt thay cho “màu tím tang thương”… Xuân này, khắp mường trên, bản dưới lại mở hội, mừng một năm mùa màng bội thu, người Mông đủ đầy, no ấm…
Ký ức một thời
Ngược vùng biên khi hoa dã quỳ thôi bừng sắc vàng để nhường chỗ cho đào phai đơm nụ, bung hoa đón mùa xuân tới. Sáng tinh sương, dọc hai bên đường, hoa mận đã nở trắng xóa. Từ trung tâm thị trấn Mường Xén, chúng tôi đã có cuộc hành trình qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống để hòa chung niềm vui đón Tết của dân bản nơi đây. Đứng trên đỉnh “cổng trời”, phóng tầm mắt xuống thung lũng, thật kỳ diệu, dọc dài một vùng biên cương mộng mơ như một Sa Pa, Đà Lạt giữa núi rừng miền Tây xứ Nghệ.
Xã Huồi Tụ chưa xây chợ khang trang nhưng được bài trí, tổ chức khá ngăn nắp. Các dãy hàng xếp đặt theo tính chất hàng hóa, dãy nào theo hàng ấy. Mặc cho Tết của đồng bào Mông đã qua hơn cả tháng nhưng người Mông vẫn ăn vận trang phục sặc sỡ, lũ lượt xuống chợ như một thú vui khi lúa mới đã vào bồ, ngô đã chất đầy trên gác bếp. Cứ như các bản của người Mông từ lưng chừng núi, xa nhất đều góp người về chợ.
Già làng Và Phái Tểnh trao đổi với cán bộ Đội Xây dựng cơ sở I |
Khác với người Mông ở Hà Giang hay xứ sở Tây Nguyên có ngựa thồ hàng xuống núi, ở Huồi Tụ, Mường Lống, Keng Đu xưa nay người dân chỉ chân trần cuốc bộ suốt mấy ngày đường đến chợ để trao đổi hàng hóa, đơn giản chỉ là con gà, con vịt để lấy gạo, lấy rau. Giờ đây, phương tiện của họ cũng đã "hiện đại" hơn bằng những chiếc xe máy. Hàng hóa mua về là áo đẹp, đồ trang sức hay các vật dụng, nông cụ trong nhà... Đứng ngay ngã ba chợ phiên Huồi Tụ, từ đây, một cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra ngang tầm mắt, những thửa ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ. Từ bao đời, người Mông đã "vạch núi" tạo thành thửa ruộng bậc thang để trồng lúa.
Con đường từ xã Huồi Tụ đến xã Mường Lống dài chừng 25 km, cơ bản đã được bê tông hoá. Có lẽ, đối với địa bàn vùng núi cao như Kỳ Sơn, mức độ tốt hay xấu của đường đi được lấy làm thước đo cho sự xa xôi, cách trở. Già làng Và Phái Tểnh, thân sinh của liệt sĩ, Trung úy Và Bá Giải, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống kể lại rằng: Tên gọi Mường Lống có từ thuở sơ khai lập bản. 100% người dân Mường Lống đều là dân tộc Mông. Cách đây gần một thế kỷ, khi núi đồi còn hoang vu, đường đi lại chưa có, bà con phải dùng ngựa để gùi hàng. Sau khi di cư sang nước bạn Lào trở về, một nhóm người Mông đã cùng phát hiện mảnh đất Mường Lống màu mỡ, khí hậu ôn hoà nên quyết định dừng chân khai hoang mở đất. Kể từ ngày những người đầu tiên khai hoang, lập bản, họ bắt đầu trồng một loại cây duy nhất là thuốc phiện.
Qua thời gian, cây thuốc phiện tỏ ra hợp với điều kiện tự nhiên, cho năng suất cao, người dân trồng ngày càng nhiều và Mường Lống trở thành “thủ phủ" của thuốc phiện từ lúc nào không hay… Có điều rất đặc biệt, mặc cho nhà nhà trồng cây thuốc phiện, nhưng xưa nay người Mông ở Mường Lống không mấy ai mắc nghiện. Thuốc phiện làm ra đều được đóng vào bao tải, tuồn lên lưng ngựa và đưa ra trung tâm thị trấn Mường Xén nhập cho các “đầu nậu” rồi đem đi đâu không ai biết…
Chủ tịch UBND xã Xồng Và Súa chỉ về phía trước, một vùng thung lũng rộng hàng chục ha mận tam hoa và đào không hạt của đồng bào Mông và cho hay, trước kia, nằm trên mảnh đất này toàn là cây thuốc phiện. Mỗi dịp xuân về, Mường Lống lại tím trời hoa anh túc, còn bây giờ là cả một vùng bao la của những nhà cao, khang trang hãnh diện trên những mô hình VAC. Ngày ấy, để xoá bỏ được cây thuốc phiện quả là một việc không dễ, khi mà bao đời nay, từ già đến trẻ, từ gái đến trai Mường Lống quen trồng cây thuốc phiện. Khi Nhà nước bắt đầu có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, cấp trên chỉ đạo về, cán bộ Mường Lống đi tuyên truyền rất vất vả.
Để làm gương, cán bộ địa phương đã đi đầu. Thấy cán bộ làm, dân cũng làm theo. Nhờ vậy, chẳng bao lâu sau, năm 1997, toàn bộ diện tích cây thuốc phiện bạt ngàn ở thung lũng Mường Lống được triệt hạ và xoá sổ vĩnh viễn cho đến tận hôm nay. Xoá sổ xong cây thuốc phiện, bà con Mường Lống không biết lấy gì để sống, nhà nào chăn nuôi lợn, nuôi gà hoặc trâu, bò thì cũng chỉ đủ để ăn thịt. Mãi đến năm 2000, giống mận tam hoa và đào không hạt mới được đưa về Mường Lống.
Sức sống nơi "cổng trời"
Sau lần “lột xác” năm 1997, Mường Lống đã trở nên đổi khác. Các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn luôn giành tình cảm đặc biệt cho nơi đây với chủ trương "Mỗi cán bộ, đảng viên nhận giúp đỡ một xã khó”. Họ cử cán bộ trực tiếp xuống giúp đỡ người dân Mường Lống trồng trọt, chăn nuôi để “đoạn tuyệt” hoàn toàn với cây thuốc phiện. Cây đào và mận rất thích hợp với điều kiện tự nhiên ở Mường Lống nên phát triển rất nhanh. Năm nào được giá, một số hộ thu nhập khoảng từ 5 - 7 triệu đồng.
Từ những chương trình, dự án như 30a, 134… cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của người dân, Mường Lống đã thật sự chuyển mình. Xã từng bước giảm diện tích cây lúa rẫy một năm một vụ, năng suất thấp sang gieo trồng cây ngô lai, chè tuyết shan. Các hộ gia đình ở Mường Lống còn tích cực đẩy mạnh chăn nuôi, sản xuất, bình quân mỗi hộ gia đình nuôi vài chục con trâu, bò và lợn đen. Tiêu biểu như các hộ: Ông Lầu Bá Giống trú tại bản Mường Lống 1, Hờ Bá Chù trú tại bản Mường Lống 2, Và Pà Cô trú tại bản Trung tâm.
Cán bộ xã Keng Đu hướng dẫn người dân phát triển kinh tế hộ gia đình |
Một luồng gió mới thêm lần nữa đến với Mường Lống khi có sự xuất hiện của cây chè tuyết shan, một loại cây rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ, chiến sĩ Đội Xây dựng cơ sở I, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn và Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế 8, cây chè quý đang bám rễ vào các triền đồi Mường Lống. Nhờ tuyết shan, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có "của ăn của để" như gia đình anh Lỳ Nhìa Hờ, Và Nhìa Lỳ ở bản Thắm Lực… Cùng với chuyển đổi cây trồng, xã đã phát huy thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hoá, với thương hiệu đặc sản như bò giàng, lợn đen, dê núi, gà đen, ngựa trắng… với tổng đàn trâu bò lên đến trên 3.000 con, lợn 3.000 con, gà đen hơn 15.000 con.
Bí thư Đảng uỷ xã Vừ Nỏ Vừ phấn khởi cho biết: Đổi thay ở Mường Lống chưa phải là sự kỳ diệu, nhưng với những gì đã thu hái được hôm nay mà người dân đang thụ hưởng là cả một quyết tâm lớn, tạo dấu ấn và mang lại sự tin tưởng tuyệt đối cho người dân, tạo dựng niềm tin cho cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con nơi đây về một sự thay đổi có tính ổn định và bền vững. Còn Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, "thủ lĩnh" trẻ người Mông theo diện thu hút từ Chương trình 30a, anh Hạ Bá Lỳ mở lời với giọng chắc nịch: "Xóa đói, giảm nghèo ở đây thật không dễ. Giữ cho cái đói, cái nghèo không trở lại càng khó khăn bội phần, nhưng nhất định phải làm cho bằng được. Mùa xuân mới đang đến với xứ núi đồng bào chúng tôi".
Đi dọc đường biên, tìm về các bản làng ở Kỳ Sơn từ những con đường xa xôi, tít tắp, càng lên cao, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây mà người Mông chính là chủ nhân của vùng đất này. Nơi ấy có bầu trời trong xanh vời vợi, những ngọn núi chót vót, văng vẳng những âm thanh dội về của điệu khèn gọi bạn tình khi mùa hoa đào nở.
.