Kinh tế xã hội
Hàng Việt chiếm ưu thế thị trường Tết
08:47, 16/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp sản xuất và tập kết hàng hóa, chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết. Theo ghi nhận của P.V, thị trường hàng tiêu dùng năm nay, các sản phẩm trong nước tiếp tục chiếm ưu thế với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân.
Có thể thấy, trong những năm gần đây, hàng Việt đã chiếm lĩnh hầu hết thị phần trong các kênh phân phối. Tại hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart, Intimex…, hàng Việt luôn chiếm từ 80 - 90% thị phần. Bên cạnh các mặt hàng bánh kẹo của các doanh nghiệp có uy tín trong nước, hầu hết các siêu thị còn nhập nhiều hàng ngoại có xuất xứ từ châu Âu và các nước Đông Nam Á để tăng tính đa dạng các mặt hàng và khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Tại các siêu thị, hầu hết khách hàng lựa chọn sản phẩm bánh, mứt, kẹo của các hãng uy tín như: Hữu Nghị, Bibica, Kinh Đô… |
Không chỉ vượt trội về tỉ trọng hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại, hàng Việt cũng đã lan tỏa tới các kênh phân phối truyền thống và khẳng định vị trí của mình tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tại các vùng nông thôn, người dân cũng đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng các mặt hàng sản xuất trong nước.
Vào thời điểm những ngày cuối năm âm lịch, dạo quanh các gian hàng bánh kẹo tại TP Vinh, chúng tôi thấy hàng nội chiếm đa số, chủ yếu là sản phẩm của các công ty có thương hiệu tại Việt Nam như: Công ty bánh kẹo Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị… Điều dễ nhận thấy, đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước.
Hàng hóa nhập từ nước ngoài chiếm tỉ lệ rất ít, nếu không nói là lép vế so với hàng nội địa. Điều này chứng tỏ, người Việt đang ngày càng ưa chuộng hàng trong nước. So với những năm trước, các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước đã có sự thay đổi vượt bậc cả về chất lượng và mẫu mã. Với giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, các thông tin về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng Việt ngày càng trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của người tiêu dùng.
Theo chị Hoàng Thị Hà, chủ đại lý bánh kẹo tại chợ Vinh cho biết: “Năm nay, hàng Tết của cửa hàng vẫn chủ yếu là hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Với các sản phẩm bánh kẹo phục vụ thị trường Tết thì thương hiệu, giá cả, chất lượng và mẫu mã là những yếu tố quyết định. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều hãng có tên tuổi của Việt Nam như bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, rượu bia Hà Nội… đã được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Bên cạnh đó, những thông tin về bánh kẹo ngoại tráo ruột, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc… xuất hiện trên thị trường đã khiến nhiều người phải cảnh giác, từ đó, có xu hướng “ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vì vậy, Tết này tôi bán chủ yếu là hàng Việt”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Huy Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện tại, hệ thống các siêu thị và chợ lớn đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết, với tiêu chí ưu tiên cho hàng Việt”. Trong đó, đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tỉnh triển khai sâu rộng đã tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Điều này đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Mặc dù, hàng Việt đã khẳng định được vị trí của mình tại thị trường trong nước, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tiêu dùng còn phân vân khi chọn mua hàng Việt. Bởi các sản phẩm của doanh nghiệp Việt vẫn còn những khiếm khuyết như chất lượng không đồng đều, tính năng kém hấp dẫn, mẫu mã chậm thay đổi, không mạnh dạn đưa ra những thông tin rõ ràng về sản phẩm bị lỗi, dịch vụ bảo hành kém… Vì vậy, để người Việt tin dùng hàng Việt, trước hết, doanh nghiệp Việt phải nhìn nhận khiếm khuyết để khắc phục. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cũng rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, tăng hàm lượng chất xám để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ đó, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Có thể thấy, càng gần Tết, thị trường những mặt hàng thiết yếu càng trở nên “nóng”. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, các gia đình nên chọn mua những loại bánh, kẹo, mứt, rượu, bia có xuất xứ trong nước. Đặc biệt, nên lựa chọn sản phẩm các hãng đã có tên tuổi của Việt Nam… Các mặt hàng đồ khô như mứt, bò khô, nai khô, các loại hạt… cũng nên lựa chọn hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ trong nước, có hạn sử dụng đầy đủ, bao bì đảm bảo chất lượng.
Vì, hiện nay có tình trạng một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ vì hám lợi đã nhập các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hoặc từ Trung Quốc về rồi thay đổi mẫu mã, bao bì, nhái lại những thương hiệu bánh kẹo lớn trên thị trường. Mọi người không nên vì ham rẻ mà chọn mua những mặt hàng trôi nổi trên thị trường. Như vậy, vừa đảm bảo sức khoẻ, quyền lợi người tiêu dùng lại vừa giảm bớt chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn. Trong quá trình lựa chọn, người tiêu dùng nên xem xét kỹ càng để lựa chọn được sản phẩm tốt nhất.
Cao Loan