Kinh tế xã hội
Nghịch lý cước vận tải với giá xăng dầu
08:54, 10/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong thời gian giá xăng dầu tăng, cước vận tải đã rục rịch lên giá. Đến lúc giá xăng dầu giảm mạnh, thậm chí giảm đến hơn 35% kể từ tháng 7/2014 đến nay, giá cước vận tải vẫn giảm nhỏ giọt, thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đã nại đủ lý do để không giảm giá cước.
Xe buýt Đông Bắc là một trong số ít doanh nghiệp giảm cước trên địa bàn |
Tính đến 16 giờ 30 phút ngày 6/1/2015, giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm. Đây là lần giảm giá đầu tiên trong năm 2015 và là lần thứ 13 kể từ tháng 7/2014 đến nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm giá với mức giảm tổng cộng là 7.769 đồng. Lần điều chỉnh gần đây nhất của giá xăng dầu diễn ra ngày 22/12/2014 với mức giảm kỷ lục 2.050 đồng/lít. Đây cũng là mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ tháng đầu năm 2011. Theo đó, từ 16 giờ 30 phút ngày 6/1/2015, giá xăng RON92 sẽ giảm 310 đồng, xuống còn 17.570 đồng/lít. Mặt hàng dầu diezen cũng giảm 360 đồng, còn 16.630 đồng/lít. Dầu hỏa và dầu madút 3,5%S giảm lần lượt 290 đồng và 200 đồng còn 17.110 đồng và 13.300 đồng.
Cước vận tải “đủng đỉnh” giảm giá
Trước sự giảm giá liên tục của mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối kết hợp với Bộ GTVT, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở GTVT thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc kê khai và niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị phải kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vận tải thực hiện không đúng các quy định về kê khai và niêm yết giá cước.
Trước việc giá xăng dầu liên tục giảm và thực hiện chỉ đạo này, Sở GTVT Nghệ An đã triển khai chủ trương giảm giá cước, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện đồng loạt bằng cách tổ chức lễ công bố và ký cam kết giảm giá cước vận tải vào ngày 24/11/2014. Thời điểm này, chỉ mới có 7/52 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thực hiện điều chỉnh giảm giá cước và có kế hoạch đăng ký giảm giá cước vận tải. Tại buổi lễ, đại diện Hiệp hội vận tải tỉnh Nghệ An cam kết, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn sẽ đồng hành giảm giá cước từ 6 - 7%.
Tuy nhiên, tính đến ngày 7/1/2015, theo tìm hiểu của chúng tôi, cước vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa hoặc đã điều chỉnh nhưng với tỉ lệ rất nhỏ so với mức giảm kỷ lục của xăng dầu, gây bức xúc và thiệt hại cho khách hàng. Một số doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Vạn Xuân đã giảm giá cước, song giảm không đáng kể, chỉ khoảng dưới 10%. Hợp tác xã cổ phần Vận tải hành khách Nghệ An, đơn vị có khoảng 130 đầu xe chạy các tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh, từ ngày 24/11/2014, đã thực hiện giảm giá cước vận tải.
Trong đó, tuyến Vinh - Yên Thành giảm từ 45.000 đồng xuống còn 35.0000 đồng và tuyến Vinh - Đô Lương giảm từ 50.000 đồng xuống còn 40.000 đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều khách hàng thường xuyên đi tuyến này, thì giá vé vẫn còn cao so với giá xăng dầu tính đến thời điểm hiện tại. Ông Hoàng Minh Quân, Trưởng phòng Quản lý giá và công sản, Sở Tài chính cho biết thêm: Thực hiện nghiêm túc vấn đề này, đã có 17 đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện việc giảm giá cước, tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện việc giảm giá theo cam kết.
Ông Vũ Hoàng Huynh, Trưởng Bến xe Vinh cho biết: hiện nay, gần 800 đầu xe của 48 đơn vị đã tiến hành thông báo giảm giá cước. Mức giảm thấp nhất là 5% với các tuyến Vinh - Hà Nội, các tuyến nội tỉnh giảm từ 5 - 10%, giảm mạnh nhất là tuyến Vinh - Móng Cái giảm tới 25% giá cước, từ 400.000 đồng/lượt xuống còn 300.000 đồng/lượt.
Nhiều doanh nghiệp “vô cảm” với biến động của giá xăng dầu
Trong khi đó, tuyến xe buýt số 06 lộ trình TP Vinh - TP Hà Tĩnh, do hai đơn vị là Tổng Công ty TM&XD Đông Bắc chi nhánh Nghệ An kết hợp với Công ty CP vận tải Hà Tĩnh, chạy theo hình thức đối lưu, mỗi ngày hơn 70 lượt chạy trên tuyến, sau hơn 1 năm các hãng khác khai thác cùng tuyến đã tăng 3 lần vé nhưng đến nay, chỉ có Công ty Đông Bắc là thực hiện giảm giá vé với mức từ 5 - 7%, còn phía Công ty CP vận tải Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên mức vé cũ.
Lý giải điều này, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị hiện có 60 xe buýt chạy các tuyến cố định trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay, chưa có kế hoạch giảm giá cước. Bởi lẽ, giá cước các tuyến cố định được xây dựng từ lâu nhưng nay vẫn ổn định. Riêng tuyến xe buýt Hà Tĩnh - Vinh, từ nay đến Tết Nguyên đán 2015, công ty vẫn giữ nguyên giá, bất luận giá xăng tăng bao nhiêu lần cũng không tăng giá vé. Điều này là bất hợp lý và phớt lờ chỉ đạo của liên Bộ Tài chính và Bộ GTVT.
Không chỉ việc giá xăng dầu liên tục giảm nhưng cước vận tải vẫn “vô cảm” mà cùng với đó, nhiều mặt hàng ăn theo giá xăng dầu trong lúc tăng chóng mặt, đến nay vẫn không hề giảm giá, hoặc nếu có cũng chỉ đối phó, giảm nhỏ giọt. Đơn cử như các mặt hàng rau củ quả tại chợ Vinh và một số chợ phụ cận, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng hóa vẫn bán như ngày thường và vẫn nguyên mức giá như cũ. Cho rằng, hiện nay, sức mua thấp, bán buôn không có lãi và cận Tết Nguyên đán Ất Mùi nên các tiểu thương đã không giảm giá theo xăng dầu.
Cùng với đó, các loại vật liệu xây dựng cũng dè dặt trong việc giảm giá bởi các doanh nghiệp đang e dè liệu việc xăng dầu giảm giá có bền vững hay không. Một chủ doanh nghiệp vận tải tại TP Vinh cho biết, công ty vẫn giữ nguyên giá vật liệu, chỉ điều chỉnh cước phí vận tải từ các công ty vận chuyển, cùng với đó, sẽ có rất nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại cho người tiêu dùng thay vì giảm giá thành “ăn theo” biến động của xăng dầu.
Theo một chuyên gia kinh tế, giá cước là do các doanh nghiệp tự tính toán, kê khai dựa trên giá thành có lãi. Việc giảm giá cước vận tải hành khách chậm là do các doanh nghiệp lưỡng lự vì sợ thị trường giá xăng dầu lên xuống thất thường, thứ nữa là việc đăng ký kê khai giảm giá cước thì dễ, nhưng đến lúc cần tăng thì thủ tục lại rườm rà. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại in sẵn giá vé niêm yết với số lượng lớn, bởi vậy, thay đổi thường xuyên sẽ có sự ảnh hưởng nhất định.
Tuy vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải buộc phải tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu để thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và thu giá cước theo đúng quy định. Những trường hợp cố tình vi phạm, thiết nghĩ, cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho hành khách.
Thiên Thảo