Kinh tế xã hội

Lệnh xử phạt ATM hết tiền quá 24 giờ: Hên xui!

15:19, 06/01/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đã nhận được ý kiến băn khoăn thắc mắc của người dân về việc triển khai quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM theo Nghị định 96. Đáng chú ý, có nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề khả thi của việc xử phạt.
 
Theo Điều 28 Nghị định 96, trong trường hợp NH “không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10-15 triệu đồng. Triển khai Nghị định 96, NHNN đã ban hành Thông tư 36 về hướng dẫn thực hiện. 
 
Theo đó, NH không được để ATM hết tiền quá 4 giờ làm việc (đối với ATM nằm trong nội đô, thị xã, trung tâm huyện) hoặc quá 8 giờ làm việc (đối với ATM ở xa trung tâm) và 1 ngày nếu ngoài giờ làm việc. Trường hợp các NH không tuân thủ đúng quy định về thời hạn tiếp quỹ nêu trên thì sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng.
ATM lỗi, hết tiền luôn là ám ảnh của khách hàng dịp lễ, Tết.
ATM lỗi, hết tiền luôn là ám ảnh của khách hàng dịp lễ, Tết.
Như vậy, cứ ATM hết tiền quá giờ thì sẽ bị phạt. Vậy làm sao để biết ATM hết tiền hay bị lỗi? Nếu người dân không thông báo thì cơ quan quản lý có biết để phạt không? 
 
Về câu hỏi này, NHNN cho biết, hiện nay các NH sử dụng hệ thống phần mềm quản lý, giám sát ATM từ xa để kiểm tra tình trạng hoạt động của ATM, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh (cảnh báo mức tiền tối thiểu để tiếp quỹ, cảnh báo ATM ngừng hoạt động…), nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ ATM cũng như thực hiện tốt quy định pháp luật hiện hành. 
 
Nếu khách hàng khiếu nại, phản ánh tới NHNN, NHNN có thể xác định ATM hết tiền hay bị lỗi thông qua kiểm tra nhật ký hoạt động của máy.
 
Hiện nay, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đã thành lập bộ phận thường xuyên giám sát tình hình hoạt động ATM trên địa bàn, nếu phát hiện NH nào sai phạm, thì NHNN sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. 
 
“ATM là thiết bị công nghệ nên việc trục trặc, sự cố là khó tránh khỏi, tuy nhiên các trục trặc, sự cố này phải được NH xử lý kịp thời. Bên cạnh hệ thống giám sát ATM từ xa, các NH còn bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động trong thời gian nhanh nhất có thể, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, ổn định”, NHNN cho biết.
 
Thực ra, các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động ATM tại Nghị định 96 đã đầy đủ, bắt buộc các NH phải nâng cao chất lượng dịch vụ ATM. Tuy nhiên, với các nhà băng, liệu mức phạt từ 10-15 triệu đồng có phải là quá thấp và thiếu tính răn đe? 
 
Phía NHNN cho biết kể cả khi Nghị định 96 chưa ra đời, thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ ATM là nhiệm vụ thường xuyên, là mục tiêu phấn đấu của các NH, bởi chất lượng dịch vụ có tốt thì NH mới thu hút và duy trì được khách hàng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các NH luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 
 
Việc quy định xử phạt chỉ là để tăng cường trách nhiệm của NH cũng như bảo vệ quyền lợi của khách hàng, qua đó các NH chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của hệ thống ATM.
 
Tuy nhiên, NHNN cho biết, không phải cứ ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ thì sẽ bị xử phạt. “Theo Điều 28 Nghị định 96, NH có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng thì bị phạt. 
 
Ngược lại, nếu ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ nhưng đã báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và đã thông báo rộng rãi cho khách hàng thì không bị xử phạt”, NHNN thông tin. Cơ quan này cũng đề nghị khách hàng nếu phát hiện các vi phạm, có thể phản ánh theo số điện thoại đường dây nóng đăng tải tại ô “Đường dây nóng” trên trang thông tin điện tử của NHNN.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác