Kinh tế xã hội
Trở thành chủ tiệm vàng sau bản án 16 năm tù
(Congannghean.vn)-Đến thị trấn Kim Sơn của huyện miền núi biên giới Quế Phong, Nghệ An, nhắc anh Phan Huy Thành (SN 1960) trú tại khối 4, hiện là chủ doanh nghiệp vàng bạc Kim Thành Dung, nhiều người biết đến với sự khâm phục nghị lực vượt qua lầm lỗi, vươn lên của anh.
Vết trượt số phận và bản án16 năm tù
Anh Phan Huy Thành quê xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, do kinh tế gia đình khó khăn, anh dắt díu vợ con rời quê hương bản quán lên vùng rừng núi Quế Phong làm kinh tế mới. Tuy nhiên, cuộc sống nơi vùng đất mới không như trông đợi, gia đình tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Mỗi ngày, thấy vợ con nheo nhóc, khổ sở vì miếng cơm manh áo, anh Thành dằn vặt bản thân rất nhiều.
Thời điểm này, Quế Phong đã là “thánh địa” ma túy dọc biên giới của miền Tây xứ Nghệ, các “ông trùm” từ nơi khác đến cấu kết với các đối tượng bản địa và người Lào, tập kết “hàng” để vận chuyển về xuôi. Hoạt động mua bán ma túy đã trở thành thứ cám dỗ khó cưỡng đối với nhiều người, trong đó có anh Phan Huy Thành.
Giấu biệt vợ con, Thành đã tham gia vận chuyển ma túy cho các “đầu nậu” để lấy tiền công. Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, sau vài chuyến “hàng” trót lọt, Phan Huy Thành đã bị bắt giữ vào tháng 2/1993. Sau đó, anh bị kết án 16 năm tù, cải tạo tại Trại giam số 3 Bộ Công an.
“Ngày bị bắt và kết án tù, tôi cứ nghĩ rằng cuộc đời mình đã kết thúc khi mặc cảm tội lỗi, xấu hổ với người thân đã khiến tôi không còn muốn sống nữa. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, động viên kịp thời của Ban Giám thị và cán bộ quản giáo, tôi đã dần lấy lại được niềm tin. Trong thời gian ở tù, vợ con cũng thường xuyên động viên, thăm nuôi nên tôi đã gắng tu tâm cải tạo tốt, mong ngày về với xã hội được ngắn lại”, anh Thành tâm sự.
Với sự nỗ lực cố gắng cải tạo, sau 7 năm thụ án, anh được giảm án đến 9 năm và ra tù trước thời hạn vào ngày 2/9/2010. Ngày bước chân ra khỏi Trại giam, trong vòng tay yêu thương của vợ con, anh Phan Huy Thành đã bật khóc. Lúc này, bản thân mới cảm nhận hết được giá trị của sự tự do nên quyết tâm không giẫm lên vết xe đổ của quá khứ bằng cách bắt tay vào làm ăn kinh tế, phục thiện để làm lại cuộc đời.
Phục thiện, trở thành ông chủ tiệm vàng
Anh Thành chia sẻ: “Được sự động viên, an ủi của gia đình, bạn bè và sự giúp đỡ của các cấp, đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Công an thị trấn và Hội Cựu chiến binh, nơi tôi đang sinh hoạt trong Chi hội, tôi đã vay vốn ngân hàng và vay thêm bạn bè để phát triển kinh tế”. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm, “năng nhặt chặt bị” nên vài năm sau, anh đã tích cóp được số vốn nho nhỏ, đầu tư mở một hiệu vàng nhỏ trên địa bàn.
Vợ chồng anh Thành, chị Dung hôm nay |
Đến nay, sau nhiều năm tích cóp và vun vén, gia đình anh đã lập nên thương hiệu bằng Doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Kim Thành Dung trên địa bàn thị trấn Kim Sơn, với số vốn khoảng 20 tỉ đồng và tạo công ăn việc làm cho 6 - 7 lao động hàng năm, mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Mỗi năm, Doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục triệu đồng tiền thuế. Đặc biệt, Doanh nghiệp vàng bạc Kim Thành Dung luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trong các chương trình ủng hộ, quyên góp, từ thiện xã hội trên địa bàn. Anh Phan Huy Thành tâm sự, có được ngày hôm nay, bản thân anh biết ơn người vợ hiền của mình rất nhiều.
Trong những năm tháng anh cải tạo trong Trại giam, chị Lê Thị Dung, vợ anh một mình tần tảo làm ăn, vừa nuôi con ăn học trưởng thành, vừa cần mẫn thăm nuôi, động viên chồng hàng tháng. Đến nay, 2 đứa con trai của anh chị đã khôn lớn, cậu con trai cả Phan Huy Cường sau khi học xong đã ở nhà phụ giúp bố mẹ trông coi kiêm thợ kim hoàn tại tiệm vàng. Trong khi đó, người em Phan Huy Tráng hiện đang làm việc tại Tập đoàn Viettel quân đội. Tháng 9/2014, anh Thành là một trong những điển hình tiên tiến được Công an tỉnh Nghệ An tuyên dương sau tái hòa nhập cộng đồng.
Thiện Thành - Lương Đậu