Kinh tế xã hội
Cảm hứng mới, động lực mới đến từ 2014
14:58, 28/12/2014 (GMT+7)
Nếu ví “thương trường là chiến trường, doanh nhân là chiến sĩ” thì để giúp doanh nhân chiến thắng Nhà nước cần kiến tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi nhất.
Để kiến tạo được môi trường đó, thì những rào cản do “nạn giấy tờ” như: Thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà; quy định “mập mờ”, thiếu minh bạch, không chỉ làm khó doanh nghiệp mà còn làm khó các cơ quan thực thi, thậm chí là những “ưu ái riêng” đối với một bộ phận lợi ích nào đó trong không ít các quy định hiện hành… cần phải được nhanh chóng rà soát kỹ lưỡng và kiên quyết loại bỏ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. |
Về lý thuyết thì là như vậy, nhưng để loại bỏ được những rào cản do "nạn giấy tờ" gây ra không dễ dàng gì. Bởi để giành được phần thắng trong cuộc "đấu tranh" này, không chỉ đòi hỏi các cơ quan hữu trách phải quyết liệt vào cuộc, mà còn phải biết nhận "phần thiệt" về mình, thậm chí sẵn sàng chấp nhận "đau đớn", "lấy đá ghè chân" và "không ai đến xin mình nữa"...
Trong năm con ngựa 2014 có thể khẳng định rằng tư tưởng đổi mới - Nhà nước kiến tạo phát triển, cải cách thủ tục hành chính - "chống nạn giấy tờ" để nâng cao năng lực cạnh tranh là một dấu ấn đậm nét, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nổi bật là những kết quả cụ thể có thể "đong đếm" được của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng trong việc rà soát, loại bỏ những quy định bất hợp lý, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo nền tảng, cơ sở pháp lý cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức, “vững tay chèo lái” con thuyền sản xuất, kinh doanh hướng tới lợi ích chính đáng của bản thân và của cả xã hội.
Quan điểm “Nhà nước kiến tạo phát triển” đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập ngay sau khi ông được Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ tháng 7/2011.
Trong bài viết “Thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI để ra là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2011-2016”, Thủ tướng nêu rõ: “Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận khi xác định vai trò của Nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Phải chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành nền kinh tế sang Nhà nước kiến tạo phát triển”.
Theo Thủ tướng: “Trong Nhà nước kiến tạo phát triển, chức năng của Nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa đúng đắn; tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống. Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XI xác định tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính là trọng tâm trong khâu đột phá về thể chế”.
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. |
Lẽ đương nhiên, để đổi mới theo hướng “chuyển mạnh từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển” thì phải sửa lại các luật cơ bản. Muốn vậy, điều trước tiên phải có một “luật mẹ” phù hợp, làm nền tảng xây dựng các luật mới.
Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013- chính thức “mở ra không gian hiến định mới”, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát đi thông điệp đầu năm qua bài viết “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”. Trong bài viết này, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh thông điệp: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển".
Theo đó, "Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội…
Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước”.
Tâm đắc với quan điểm Nhà nước kiến tạo phát triển, ông Vũ Mão nói với PV Báo điện tử Chính phủ: Nhiều năm qua, các bộ, ngành vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa quản lý DN, quản lý ngân hàng thương mại,… Thực tế cho thấy, Nhà nước không nên làm thay và cũng không thể làm thay dân, làm thay DN. Trách nhiệm của Nhà nước là phải cần tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế, tạo "sân chơi" bình đẳng, minh bạch để các chủ thể hoạt động, phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Tuy vậy, điều quan trọng nhất, khó khăn nhất là phải hiện thực hóa quan điểm này như thế nào.
Để xây dựng được hệ thống thể chế hiện đại, tính khả thi cao, thì thể chế đó phải được khởi nguồn từ đời sống sản xuất, kinh doanh đầy sôi động... Theo đó, những người xây dựng thể chế phải biết “lắng nghe ý kiến từ cuộc sống”. Trong suốt năm 2014, Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đã có hàng chục cuộc đối thoại thẳng thắn với DN, với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chân thành đón nhận những ý kiến góp ý, thậm chí là những ý kiến phê phán gay gắt về những điểm chưa hợp lý, những “khuyết tật” của hệ thống pháp luật hiện hành… cầu thị tiếp thu để điều chỉnh.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, bên cạnh những kênh thông tin truyền thống (báo cáo của các cơ quan chức năng, hiệp hội; thông tin từ báo chí, truyền thông; các cuộc gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn lớn trên thế giới khi họ đến Việt Nam; tiếp xúc cộng đồng DN nhân các chuyến công du nước ngoài…), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tới 3 cuộc đối thoại lớn với cộng đồng DN để lắng nghe những trăn trở và xử lý những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh doanh (Diễn đàn Thủ tướng và Doanh nghiệp 2014, tháng 4; Diễn đàn VBF, tháng 6; Diễn đàn VBF tháng 12).
Đại diện doanh nghiệp nước ngoài giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một cuốn sách viết về tình hình đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu. |
Còn nhớ, ngày 28/4, Hội trường lớn Trung tâm Hội nghị quốc tế, Văn phòng Chính phủ mở rộng cửa chào đón hàng trăm đại biểu doanh nhân trong cả nước tham dự hội nghị “Thủ tướng và Doanh nghiệp 2014”. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Thủ tướng, 10 Bộ trưởng, đại diện lãnh đạo 11 bộ, ngành và 2 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) cùng lắng nghe lãnh đạo 57 hiệp hội DN; 348 DN trong nước, nước ngoài phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những kiến nghị cho cơ quan điều hành.
Trân trọng hơn 300 kiến nghị của cộng đồng DN gửi đến, trong đó có cả những lời “than thở” rằng tinh thần cải cách “càng xuống dưới, nhiệt huyết càng mất đi”, Thủ tướng bày tỏ: "Tôi thực sự xin lỗi! Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân. Bây giờ tôi nghe nói như thế, quyết tâm trên này hăng hái như thế, nhưng càng đi xuống càng giảm, tới nhân viên thành như không có chuyện gì xảy ra… Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận, dù đã có một bước tiến dài nhưng thủ tục hành chính vẫn còn cản trở, gây khó khăn cho cộng đồng DN. Đây là trách nhiệm của Chính phủ".
Kết luận buổi làm việc hôm đó, Thủ tướng cam kết: “Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền dân chủ trong kinh tế, DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thực hiện bình đẳng, công khai, minh bạch trong kinh doanh. Hoàn thiện các VBQPPL về môi trường kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Phá sản… Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra… Các Bộ, ngành rà soát lại thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi cao nhất cho DN”.
Ít ngày sau (ngày 9/7), Người đứng đầu Chính phủ còn trực tiếp làm việc “vượt cấp” với Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế để giải quyết các vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN. Kết luận buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Thuế phải phấn đấu đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, khai thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm và đến 2015 bằng mới mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm)... Tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thủ tục hải quan cho xuất khẩu mất 4 ngày, cao gấp 2 lần so với bình quân khu vực, thủ tục nhập khẩu là 4 ngày trong khi bình quân khu vực chỉ có 3 ngày là không thể chấp nhận được”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đại biểu dự buổi làm việc với Tổng cục Thuế ngày 9/7/2014. |
Không chỉ trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, với các bộ, ngành, thông điệp Nhà nước kiến tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh liên tục được Thủ tướng nhấn mạnh trong các phiên họp Chính phủ và yêu cầu các bộ ngành phải quyết liệt cải tổ. Như tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, dẫn ví dụ từ ngành du lịch, Thủ tướng cho rằng, thủ tục nhập cảnh phiền hà đã cản trở bước chân du khách vào Việt Nam mà nguyên nhân cơ bản là do: “Câu chữ của chúng ta làm khổ chúng ta thôi chứ không có ai khác”. Thủ tướng yêu cầu “chúng ta không so với chúng ta” theo lệ “năm sau cao hơn năm trước” nữa, mà các bộ, ngành phải phân tích kỹ lưỡng, đưa ra giải pháp cụ thể, hướng tới mục tiêu Việt Nam “đuổi kịp các nước trong khu vực”.
Vẫn biết rằng, từ tư tưởng đến hành động, từ quyết tâm chính trị, nội dung thể chế đến hiện thực sinh động luôn là một quãng đường dài, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của Chính phủ và các bộ, ngành, từ “phát pháo lệnh” của Thủ tướng trong Thông điệp đầu năm, đến những nỗ lực “chống nạn giấy tờ”, dưới sự chèo lái của Chính phủ trong năm 2014 con thuyền kinh tế Việt Nam đã vững vàng vượt qua sóng gió.
Với một loạt các cải cách lớn về thể chế trong các lĩnh vực: Đầu tư, thuế, hải quan, ngân sách, đất đai… với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành,... trong lĩnh vực thuế, thời gian DN thực hiện thủ tục thuế từ 537 giờ đã được kéo giảm xuống còn 167 giờ/năm; thời gian làm thủ tục bảo hiểm cũng chỉ còn một nửa so với trước; hệ thống hải quan một cửa quốc gia đã đi vào hoạt động và chứng minh được hiệu quả thiết thực...
Có thể nói, một loạt cải cách về thể chế trong năm qua đã tạo ra những cảm hứng mới, động lực mới cho cộng đồng DN, doanh nhân. Tín nhiệm về nền kinh tế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên. Phấn khởi nhất là trong năm 2014 - năm đầu tiên trong rất nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và vượt được chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (GDP tăng 5,98% so với năm 2013)... Giới chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã cảm nhận: Làn sóng cải cách lần thứ 2 đã khởi sự trong năm 2014.
Nguồn: Chinhphu.vn