Kinh tế xã hội
Người đưa cây cam trở thành cây thoát nghèo cho vùng đất 'chết'
09:01, 26/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Hữu Bình ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đã vươn lên làm giàu trên vùng đất khó bằng nghề trồng cam. Không những thế, ông còn là người đưa cây cam trở thành cây xóa đói, thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình trên vùng đất khô cằn này.
Vượt qua con đường làng quanh co, chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Hữu Bình, ngôi nhà khang trang nằm giữa màu xanh bạt ngàn của cây trái. Sinh năm 1957, trong một gia đình thuần nông đông anh em, ngay từ nhỏ, ông Bình đã phải nếm trải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 1976, ông lấy vợ và vào làm công nhân ở Nông trường cam Xuân Thành, huyện Quỳ Hợp. Sau một thời gian gắn bó với cây cam, học hỏi, tích lũy được ít kinh nghiệm, ông mạnh dạn vay vốn mua đất trồng cam, bắt đầu tạo dựng sự nghiệp.
Ông Bình (trái) bên vườn cam của mình |
Năm 2005, sau một lần về quê bạn chơi ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, ông thấy vùng đất này như có duyên với mình. Sau khi tìm hiểu kỹ mọi vấn đề từ thổ nhưỡng, khí hậu, con người nơi đây, ông liền hỏi thăm và mua luôn 7 ha đất của dân bỏ hoang từ lâu nay. Không có tiền trong tay, ông đành phải bán vùng đất trồng cam ở Quỳ Hợp đang trong thời kỳ cho thu hoạch để về với khu đất toàn gốc bạch đàn và cỏ dại. Trong chiến dịch cải tạo đất, ông đã thuê máy ủi, máy múc san mặt bằng, mua phân bò về để bón cho cam, đào hai cái ao để làm nơi chứa nước tưới cho cây. Sau một thời gian ngắn, thấy cây cỏ mật mọc dày đặc, nghĩ chắc phần thắng trong tay, ông lên Nông trường cam Quỳ Hợp mua 2.000 gốc cam Xã Đoài, Vân Du về trồng.
Sau nhiều năm chăm bón, bước sang năm 2009, ông thu hoạch vụ cam đầu tiên, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về số tiền hơn 200 triệu đồng. Sau khi có vốn trong tay, ông đầu tư mua thêm máy làm đất, làm cỏ, máy bơm nước, bố trí hệ thống dẫn nước để chống hạn cho cây cam vào mùa hè. Nhận thấy vườn cam của ông đem lại thu nhập cao, nhiều người trong làng ghen ghét nên xông vào đập phá máy móc, đẽo vỏ 300 gốc cam. Nhưng nhờ vào kinh nghiệm trồng cam trên 20 năm, ông không những khắc phục được mà ngày càng nhân rộng thêm.
Từ 7 ha ban đầu, đến nay, trang trại của ông đã lên đến 25 ha, cho thu hoạch 500 tấn/vụ. Với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về trên 20 tỉ đồng. Ông đang dự định mua thêm 13 ha để mở rộng trang trại của mình. Ngoài ra, trại cam còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên và 40 - 45 lao động thời vụ với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Với những nỗ lực gắn bó với cây cam, năm 2010, mô hình vườn cam của ông Bình được Viện Khoa học Kỹ thuật Bắc Trung Bộ công nhận mô hình trồng cam đạt chuẩn VietGAP.
Theo ông Bình, trồng cam không quá khó nhưng đòi hỏi phải thực sự yêu nghề. Cây cam là một loại cây “khó tính” nên cần phải nắm bắt tình hình sâu bệnh chính xác để đưa hóa chất vào. Hơn nữa, phải nắm đúng quy trình từ khi làm đất, đầu tư cây giống cho đến ngày thu hoạch.
Nhờ cây cam mà gia đình ông Bình có cuộc sống sung túc, con cái được học hành đầy đủ. Cam đã trở thành cây xóa đói, làm giàu cho gia đình ông nói riêng và bà con nhân dân xóm Đồng Trung nói chung, góp phần làm thay đổi diện mạo của quê hương. Anh Võ Văn Bàng, Xóm trưởng xóm Đồng Trung cho biết: “Xóm hiện có 120 hộ, trong đó có 15 hộ gia đình trồng cam.
Dự tính đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 30 hộ. Cuộc sống của người dân trong làng ngày càng khấm khá nhờ giống cam của ông Bình đem về. Hiện tại, ông Bình đang hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng cam cho 15 hộ trong vùng. Ông cũng đang phối hợp với huyện để thành lập Hiệp hội trồng cam, với mục đích phát triển thành một vùng cam quy mô, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu và hướng tới một thị trường ổn định”.
Đặng Duyên