Kinh tế xã hội
Tràn lan hàng giả đội lốt hàng hiệu
10:16, 23/12/2014 (GMT+7)
Thị trường đã vào mùa mua sắm hàng thời trang khi dịp lễ Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch đang đến gần, đáp ứng nhu cầu của của người tiêu dùng (NTD). Đây chính là cơ hội lớn các đối tượng tung hàng giả nhưng mạo danh các thương hiệu nổi tiếng thế giới ra thị trường…
Theo ghi nhận thực tế, các loại quần áo, giày dép, túi xách, dây thắt lưng… thời trang giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng như Calvin Klein, Bally, Salvatore Ferragamo, Hugo Boss, Coach, D&G, Lacoste, Levis, Tommy, Prada, Gucci, Cheviot, Longchamp… hiện đang bày bán tràn lan và gần như công khai tại các shop thời trang, chợ, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Hầu hết tại các chợ lớn, những loại hàng hiệu giả có giá niêm yết phổ biến từ 150 ngàn đến 2 triệu đồng/ túi xách, valy; giày dép, quần áo… có giá từ 150 - 400 ngàn đồng/sản phẩm. Còn tại các shop thời trang cao cấp, hàng nhái có giá vài triệu đồng một sản phẩm.
Càng gần Tết, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ nhiều hàng hiệu bị làm giả. |
Tập trung cao điểm truy quét hàng giả, từ đầu tháng 12 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã tăng cường kiểm tra tại các TTTM, chợ, công ty và các cửa hàng trên đường phố, phát hiện 20 vụ buôn bán hàng giả và 7 vụ có dấu hiệu buôn bán hàng giả, tạm giữ tổng cộng 7.079 đơn vị sản phẩm các mặt hàng ba lô, túi đeo, túi xách, dây thắt lưng, quần áo, giày dép giả các nhãn hiệu Boss, North Face, Lacoste, Nike, Adidas, CK, Levis, Lacoste …
Đa phần hàng giả các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó đưa về Việt Nam tiêu thụ. Tại Việt Nam, hàng giả sản xuất trong nước nhiều nhất là hiệu Lacoste, Louis Vuitton... Trước đây, Đội QLTT 3A - Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra 3 điểm sản xuất, thêu gia công tại quận Tân Phú, phát hiện tại các điểm này đang thực hiện một quy trình khép kín từ may, thêu, cho đến việc đóng gói áo thun giả nhãn hiệu Lacoste và hình con cá sấu hiệu Lacoste (thương hiệu nổi tiếng của Pháp, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam). Mặc dù sản xuất tại quận Tân Phú, nhưng trên áo ghi "made in France". Lực lượng kiểm tra tạm giữ 17.448 cái áo thun thành phẩm, 10.293 cái áo thun bán thành phẩm, 514kg tem, nhãn giả mạo và nhiều dụng cụ, phương tiện để sản xuất áo thun giả. Kiểm tra một công ty may mặc ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, Đội QLTT 3A phát hiện công ty này dấu hiệu sản xuất quần áo giả mạo Lacoste và Adidas, tạm giữ 1.706kg quần áo và nhiều vật liệu, bao bì... của 2 nhãn hiệu trên.
Để sản xuất áo thun giả hiệu Lacoste, Ngô Thị Thúy Phượng và chồng là Nguyễn Ngọc Hân thành lập Công ty TNHH May Hân Hạnh (quận Gò Vấp) để may gia công. Tuy nhiên, hoạt động của công ty này đã bị Đội QLTT 3A kiểm tra và lập biên bản xử lý. Sau đó, các đối tượng đã mang hàng cất giấu được đi tiêu thụ thì bị Đội QLTT huyện Bình Chánh phát hiện, tạm giữ toàn bộ số hàng gồm 15.250 áo thun giả nhãn hiệu Lacoste. Kết quả của Hội đồng định giá xác định tổng giá trị số hàng giả này tương đương với hàng thật là gần 25,5 tỉ đồng. Ngoài số hàng bị thu giữ, trước đó hai đối tượng này cũng đã bán ra thị trường 5.000 áo thun giả. Cuối tháng 8/2014, TAND huyện Bình Chánh tuyên phạt Ngô Thị Thúy Phượng 7 năm tù và Nguyễn Ngọc Hân 5 năm tù về tội “buôn bán hàng giả”.
Càng gần tết, hàng giả “đội lốt” hàng hiệu càng nóng. |
Để nhận diện giữa hàng thật và hàng giả của từng sản phẩm không hề đơn giản vì hiện nay các đối tượng sản xuất hàng giả rất tinh vi. Chỉ có dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là hàng giả thường rẻ hơn hàng thật nhiều lần. Điển hình, túi xách hiệu Longchamp (Pháp), hàng thật chỉ bán ở cửa hàng chính hãng với giá thấp nhất 2 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, túi xách hiệu Longchamp giả được bán nhiều tại TTTM, các chợ có nhiều người nước ngoài đến mua sắm với giá chỉ 200.000-250.000đ/chiếc với lý do nhãn hiệu Pháp nhưng gia công tại Việt Nam. Áo thun hiệu Lacoste hàng thật giá hơn 2 triệu đồng/cái được bán ở các TTTM, trong khi ở thị trường bán tràn lan với giá chỉ từ 120.000 - 150.000đ/cái (hàng giả sản xuất tại Việt Nam) và 170-180.000đ/cái (hàng giả của Thái Lan)…
Bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Công ty luật TNHH V.N.I.P, đại diện pháp lý về sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Lacoste và Louis Vuitton tại Việt Nam cho biết: Louis Vuitton trở lại chiến dịch chống hàng giả tại Việt Nam từ năm 2009 cho đến nay, ước tính, bình quân khoảng 15 -20 vụ/tháng cho mỗi thị trường tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Còn với Lacoste, chiến dịch quy mô chống hàng giả tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2011 đến nay, uớc tính, bình quân từ 20 - 25 vụ/tháng và đã có nhiều nhà máy bị kiểm tra xử lý.
Trước tình hình hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức nhận diện hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cho các cán bộ QLTT các quận huyện, cán bộ nhân viên Ban quản lý chợ, siêu thị, TTTM và các cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, Chi cục QLTT cũng đã phối hợp với Văn phòng luật sư A Hòa, Công ty REAC Việt Nam tổ chức tập huấn để phân biệt hàng giả, hàng thật đối với 11 nhãn hiệu độc quyền cho cán bộ QLTT, Công an, Hải quan, Thanh tra Sở Công Thương. Trong kế hoạch kiểm tra thị trường Tết, Chi cục QLTT cũng lưu ý các đội tập trung kiểm tra các quầy hàng, gian hàng tại các TTTM bán các mặt hàng đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép, túi xách, hàng thời trang,... có dấu hiệu giả nhãn hiệu, nhập lậu.
Đại diện một số nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài tại Việt Nam cho biết, để tránh mua nhầm hàng giả, NTD chỉ nên mua hàng tại các địa chỉ phân phối hàng chính hãng. Nếu mua ngoài những địa chỉ nêu trên hoặc mua hàng chào bán trên mạng thì đều có nguy cơ là hàng giả.
Nguồn: Cannd.com.vn