Kinh tế xã hội

Nhiều cơ quan, quy định xử lý hàng giả 'đá' nhau

16:49, 23/12/2014 (GMT+7)

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN đã nhận định như trên tại buổi họp báo Cập nhật tình hình phòng chống hàng nhái, hàng giả dịp Tết 2015.

234
Ông Lê Thế Bảo phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: Đ.Thanh

Chương trình họp báo được Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức sáng 23-12 tại TP.HCM.

Trong số hơn 31 mặt hàng bị làm giả, làm nhái mà VATAP thống kê được, rượu bia là mặt hàng được quan tâm đặc biệt, nhất là trong thời điểm cận Tết.

Ông Bảo cho biết ước lượng có khoảng 10-15% mặt hàng rượu là hàng giả, hàng nhái. Ông cũng cảnh báo hiện tượng bán rượu giả cho khách ở một số nhà hàng khi khách đã ngà ngà say.

Ông Đỗ Hồng Hải, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng thông tin rằng không có sản phẩm, nhãn hiệu rượu mạnh quốc tế nào được phép sản xuất ở VN. Vì thế bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sản xuất các sản phẩm này đều là làm giả.

Một mặt hàng khác được làm giả, làm nhái với tốc độ nhanh nhất là mỹ phẩm. Nếu sản phẩm gây được tiếng vang trên thị trường, thì chỉ tháng trước tháng sau là hàng giả, hàng nhái đã tràn lan.

Bên cạnh đó, các mặt hàng điện tử điện lạnh, thậm chí là gas, xăng dầu... cũng bị làm giả rất nhiều.

PGS.TS Đàm Thanh Thế, thư ký Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng sản xuất hàng giả hàng nhái gắn mác Việt Nam. Cơ quan chức năng vừa bắt 4 tấn nhãn mác thương hiệu có uy tín của VN để họ tuồn hàng về rồi đóng mác này vào.

“Hiện có khoảng 35 văn bản quy định về chống hàng giả hàng nhái nhưng nhiều quy định lại đá nhau, không phù hợp thực tế", ông Lê Thế Bảo nói.

Ông Bảo dẫn chứng: Bộ Y tế quản lý nước đóng chai, Bộ Công thương nước giải khát, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý về tinh bột, còn tinh bột dinh dưỡng thì là cơ quan khác.

Về xử lý hàng hóa bị làm giả, có văn bản thì nói “tịch thu, tiêu hủy” cái thì nói “loại trừ yếu tố vi phạm”, có nghĩa là vẫn được sử dụng”.

Tham gia cuộc họp báo, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đồng tình rằng cơ chế thực thi hiện còn chồng chéo, chưa đồng bộ về số lượng cũng như chất lượng. Sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm...

Các đại biểu tham gia cuộc họp báo đều thống nhất cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức người dân, không tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả hàng nhái, buôn lậu, không bao che, không sử dụng “để hàng giả hàng nhái không còn đất sống”.

Nguồn: tuoitre.vn

Các tin khác