Kinh tế xã hội

Xử lý nghiêm VPHC trong lĩnh vực dạy nghề

09:27, 08/01/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho quá trình quản lý và áp dụng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
 
Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi khai man hồ sơ tuyển sinh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng đối với hành vi tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần cá nhân.
 
Hành vi không dạy đủ số giờ học quy định theo chương trình đào tạo của một môn học hoặc mô-đun hoặc tín chỉ của cá nhân bị đề xuất phạt từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
 
Tổ chức không xây dựng tiến độ đào tạo, kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo viên theo quy định; không sử dụng hoặc sử dụng không đúng biểu mẫu, sổ sách quản lý dạy và học theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng. Nếu không thực hiện đúng quy định về quy trình tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt chương trình đào tạo theo quy định sẽ bị phạt từ 10 – 15 triệu đồng.
 
Hành vi tự ý thêm, bớt nội dung môn học hoặc mô-đun hoặc tín chỉ hoặc không tổ chức bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp đã quy định trong chương trình giáo dục nghề nghiệp bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đúng thời gian đào tạo hoặc hình thức đào tạo đối với chương trình giáo dục nghề nghiệp có yếu tố nước ngoài; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi giảng dạy chương trình giáo dục nghề nghề nghiệp có yếu tố nước ngoài không đúng theo chương trình trong hồ sơ cấp phép. Các hành vi trên sẽ chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ đào tạo từ 6 - 12 tháng.
 
Xử phạt vi phạm về liên thông, liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp
 
Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất nội dung xử phạt vi phạm quy định về liên thông, liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
 
Cụ thể, phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo các mức phạt sau đây: Từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo liên thông không đủ các điều kiện theo quy định; từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo liên thông các ngành nghề hoặc trình độ đào tạo khi chưa được giao nhiệm vụ liên thông.
 
Bên cạnh đó, hành vi sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chất lượng; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin liên quan đến chương trình liên kết đào tạo trên trang thông tin điện tử của cơ sở liên kết cũng bị đề xuất phạt từ 5 – 10 triệu đồng.
 
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp với cơ sở giáo dục nước ngoài mà chưa được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài công nhận về chất lượng hoặc chưa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận; liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp với cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo những nghề ngoài danh mục các ngành, nghề đào tạo được phép hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; liên kết đào tạo vượt quá khả năng bảo đảm về phòng học, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đội ngũ giáo viên, giảng viên; liên kết đào tạo mà không ký kết hợp đồng liên kết đào tạo hoặc thực hiện sau các quy định về liên kết đào tạo; liên kết đào tạo với tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
 
Ngoài ra, hành vi vi phạm quy định về thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mức phạt lên đến 100 triệu đồng.
 
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác