“EVN khẳng định trong năm 2014 cũng như từ nay đến Tết sẽ không tăng giá điện. Còn phương án điều chỉnh giá điện trong 2015 như thế nào sẽ phải chờ Bộ Công Thương và Thủ tướng quyết định”.
Đó là phát biểu của Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri với báo giới chiều 30/12, trước câu hỏi “bao giờ EVN tăng giá điện?”
Theo lãnh đạo EVN, quy trình tăng giá điện đã được Chính phủ nêu rõ trong Quyết định 69 của Thủ tướng, trong đó sẽ căn cứ vào các yếu tố như nhiên liệu, tỷ giá…
Đặc biệt, trước xu hướng giá dầu liên tục giảm hiện nay, theo ông Tri, về nguyên lý giá điện cũng phải giảm. Thực tế khi giá dầu giảm thì giá khí đốt cung cấp cho một số nhà máy điện của EVN như Cà Mau, Nhơn Trạch… cũng đã giảm.
Tuy nhiên, đối với khí dùng trên bao tiêu thì giá vẫn tăng, còn trong bao tiêu thì giá do Chính phủ đã quyết. Trong khi đó, giá than cũng tăng theo lộ trình do Chính phủ quy định chứ không điều chỉnh theo giá dầu.
Chính vì vậy, theo Phó tổng giám đốc EVN, trong năm 2014 dù không tăng giá điện nhưng một loạt chi phí vẫn đang “treo” ở đó.
Cụ thể, theo tính toán sơ bộ của EVN, mặc dù do cơ cấu sản lượng thuỷ điện tăng đã khiến EVN giảm được khoảng 2.055 tỷ đồng chi phí. Nhưng đổi lại phải tăng thêm 2.100 tỷ do điều chỉnh giá than, do giá khí trên bao tiêu là 1.114 tỷ, do biến động tỷ giá là 128 tỷ, thuế tài nguyên nước thêm 1.504 tỷ, chi phí lưới điện nông thôn trên 1.000 tỷ…Tổng cộng lại khoảng 15.000 tỷ đồng.
Chưa tăng giá điện nhưng EVN vẫn 'kêu khổ' với Chính phủ |
Với thực tế đó, EVN sẽ có hai lựa chọn, hoặc đề xuất tăng giá điện, hoặc kiến nghị Chính phủ một số cơ chế.
Tuy nhiên, theo ông Tri, EVN sẽ kiến nghị Chính phủ cho áp dụng một số cơ chế, thay vì đề xuất tăng giá điện ngay.
Cụ thể, đối với khoản 8.800 tỷ lỗ do chênh lệch tỷ giá, theo quy định của Chính phủ thì khoản này phải phân bổ xong vào năm 2015, nhưng EVN sẽ xin cho hoãn tiếp một thời gian vì đây chỉ là chế độ kế toán.
Cùng với đó, một số chi phí thanh toán cho Petro Vietnam do giá khí tăng cũng xin chậm lại.
Ngoài ra, EVN cũng có được một chút "vốn dắt lưng" đó là khoản hơn 2.055 tỷ chi phí giảm được do cơ cấu sản lượng.
“Đến thời điểm này chúng tôi nhìn được một số chi phí như trên. Do đó, dựa vào những số liệu thực tế trên, liên Bộ sẽ quyết định tăng hay không trong năm 2015”, ông Tri cho hay.
Đại diện lãnh đạo EVN cũng lưu ý, nếu giá dầu sắp tới tiếp tục giảm thì EVN có thể “nhẹ” hơn một chút, nhưng nếu điện miền Nam tăng trưởng quá nhanh, buộc phải đổ dầu phát điện thì lại là “thảm hoạ” cho EVN. Vì vậy vẫn phải kêu gọi người dân luôn luôn tiết kiệm điện.
Liên quan đến lương, thưởng Tết của EVN, ông Tri cho hay, đến thời điểm này EVN vẫn chưa hạch toán được kết quả sản xuất kinh doanh nên mọi chính sách về lương, thưởng của tập đoàn vẫn phải chờ hạch toán, trên cơ sở đó mới đề xuất Chính phủ duyệt.
“Theo báo cáo sơ bộ thì Công ty mẹ EVN trong năm 2014 dự kiến lãi được 300 tỷ. Còn lương, thưởng Tết thì chưa biết được. Nếu có lợi nhuận thì mới đủ lương. Nhưng để có lợi nhuận thì phải xin Chính phủ một số cơ chế”, ông Tri nói.